Sáng 6/5, nhiều người dùng tại Việt Nam phản ánh khi truy cập sàn thương mại điện tử Tiki.vn từ Google Search, đã bị chuyển hướng sang website cá độ có tên 5**Win. Cùng thời điểm, khi sử dụng trình duyệt trên laptop để truy cập Tiki.vn, trang chủ của sàn này không còn hiển thị các sản phẩm.
Hiện Tiki chưa phản hồi chính thức về vụ việc.



Trang chủ Tiki khi truy cập bằng Google Search trên trình duyệt di động bị chuyển hướng sang website cá độ. (Ảnh: Đức Huy/Chụp màn hình).
Tiki được thành lập năm 2010 bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn - một gương mặt quen thuộc trong giới khởi nghiệp Việt Nam. Ông Sơn sáng lập Tiki với cảm hứng từ nền tảng bán sách nổi tiếng Amazon của Jeff Bezos. Tiki là viết tắt của cụm từ "tìm kiếm và tiết kiệm”.
Những năm sau đó, từ nền tảng chuyên bán sách, Tiki mở rộng ra các ngành hàng khác từ đồ điện tử, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng và trở thành một sàn thương mại điện tử hoàn chỉnh. Tới năm 2016, VNG của ông Lê Hồng Minh quyết định mua gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki. Thương vụ này hoàn tất vào tháng 2/2016 và Tiki bắt đầu được ghi nhận là một công ty liên kết của VNG.
Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, tới quý II/2019, khoản đầu tư hơn 506 tỷ đồng của VNG vào Tiki đã “bốc hơi” hết. Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019 của VNG cho biết công ty này đã lỗ lũy kế hết phần vốn đầu tư vào Tiki.
VNG cũng không tiếp tục tham gia vào các đợt tăng vốn của Tiki diễn ra trước đó. Điều này khiến tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm xuống còn 24,6% năm 2019. Tới tháng 3/2021, VNG giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tiki xuống 20,18%. Trong báo cáo của VNG, giá trị đầu tư của họ vào Tiki Global đã về 0 tính đến cuối năm 2022.
Tới 28/10/2024, tập đoàn do ông Lê Hồng Minh sáng lập chính thức miễn nhiệm hai đại diện của mình tại Ban Giám đốc Tiki Global, đánh dấu việc chấm dứt vai trò quản lý của VNG tại công ty thương mại điện tử mà họ từng đặt nhiều kỳ vọng.

Sau khi VNG dừng đầu tư, để tiếp tục đua đường dài với các “ông lớn”, Tiki liên tục huy động vốn từ bên ngoài.
Năm 2020, Tiki tăng vốn điều lệ từ 190,9 tỷ đồng lên hơn 208,31 tỷ đồng qua đó cũng hé lộ cơ cấu cổ đông ngoại của sàn này. Theo đó, nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ dòng vốn nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông ngoại tại Tiki tăng từ 49,7% lên 54,5%.
Theo dữ liệu từ chuyên trang theo dõi startup Crunchbase, tính đến ngày 2/5/2022, Tiki đã trải qua tổng cộng 10 vòng gọi vốn, huy động thành công 470,5 triệu USD. Trong đó, vòng có số lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo nhất là vòng gọi vốn Series E vào tháng 10/2021, với 6 nhà đầu tư tham gia và huy động 258 triệu USD.
- TIN LIÊN QUAN
-
VNG 'mất trắng' 500 tỷ đồng đầu tư vào Tiki, bỏ lại chiến trường thương mại điện tử khốc liệt
Một số tên tuổi từng rót vốn cho sàn thương mại điện tử này có thể kể tới như UBS, Yuanta Investment, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Nextrans, Northstar Group, STIC Investment,….
Vào thời điểm tháng 10/2021, sau vòng gọi vốn Series E, định giá của Tiki từng đạt mức 832 triệu USD, tiệm cận trạng thái “kỳ lân” (các startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên).
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Tiki không ghi nhận thêm khoản đầu tư chính thức nào.
Tính đến cuối năm ngoái, thị phần thương mại điện tử của Tiki thu hẹp còn chưa tới 1%, không đáng kể nếu so với Shopee (64%), TikTok Shop (29%) hay Lazada (6%), theo Metric.
