Kinh doanh

Các tập đoàn công nghệ Việt tìm kiếm "đất hứa" tại Đông Á

Các công ty công nghệ Việt Nam như FPT hay CMC đã thiết lập các văn phòng quan trọng tại Trung Quốc và Hàn Quốc, phục vụ thu hút nhân tài tại quốc gia bản địa với mục tiêu phục vụ tốt hơn cho các khách hàng doanh nghiệp ở Đông Á, theo Nikkei Asia.

Hồi tháng 3, tập đoàn FPT đã mở một trung tâm phát triển lớn tại khu công nghiệp ở Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc. Chi nhánh Đại Liên có khoảng 200 nhân viên trong giai đoạn đầu và có kế hoạch mở rộng lên khoảng 3.000 nhân viên trong khoảng 5 năm tiếp theo.

Chi nhánh này chủ yếu phục vụ các công ty Nhật Bản - thị trường vẫn còn chậm trong việc số hóa so với các nước phương Tây. Hành trình phát triển của FPT có đóng góp rất lớn từ hoạt động thầu phụ, phát triển hệ thống cho các công ty Nhật Bản. Năm ngoái, doanh thu hợp nhất của FPT tăng 20% lên 52.000 tỷ đồng (2,04 tỷ USD), tạo ra mức tăng lợi nhuận ròng 20% lên 7.790 tỷ đồng.

Doanh thu của FPT gần như tăng gấp đôi và lợi nhuận ròng tăng hơn ba lần so với một thập kỷ trước. Mảng phát triển phần mềm của FPT có gần 40% doanh thu từ Nhật Bản. Khoảng 10.000 nhân viên của công ty có thể nói tiếng Nhật.

Dù quy mô nhân sự tương đối lớn, song ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành FPT Trung Quốc cho biết: "Nhu cầu từ chuyển đổi số đã tăng vọt và chúng tôi không thể có đủ người tài để theo kịp".

Từ đầu những năm 2000, Đại Liên đã dần trở thành một trung tâm phát triển hệ thống theo hợp đồng cho các công ty Nhật Bản, và nhiều nhân viên ở đó có thể nói tiếng Nhật. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà phát triển hệ thống không phải người Trung Quốc đã giảm quy mô hoạt động do chi phí lao động tăng và rủi ro địa chính trị. "Ở đây có nguồn nhân lực không chỉ biết nói tiếng Nhật mà còn quen thuộc với dịch vụ khách hàng," ông Tuấn nói thêm.

 Ông Phạm Thanh Tuấn, CEO chi nhánh FPT Đại Liên, Trung Quốc. (Ảnh: FPT).

FPT sẽ kết hợp chi nhánh mới ở Đại Liên với sức mạnh mạng lưới của mình ở Đông Nam Á. Đại Liên sẽ đảm nhận các nhiệm vụ đầu nguồn, như thiết lập yêu cầu hệ thống, vì địa điểm này có nhiều người nói tiếng Nhật với kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ quốc tế.

Các nhiệm vụ như lập trình, vận hành và bảo trì sẽ do nhân viên ở Việt Nam, Philippines và Indonesia thực hiện. Chi phí lao động ở những quốc gia này tương đối thấp. Do một số khách hàng lo ngại về bảo mật dữ liệu, bất kỳ hoạt động phát triển nào được thực hiện ở Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng dữ liệu thử nghiệm. Việc vận hành hệ thống sẽ được thực hiện ở Nhật Bản hoặc Việt Nam.

Ngoài FPT, công ty công nghệ CMC cũng có kế hoạch mở rộng quy mô nhân sự toàn cầu lên từ 8.000 đến 10.000 nhân viên vào năm 2028, tức là khoảng gấp ba đến bốn lần số lượng nhân viên hiện tại.

"Giá rẻ sẽ không phải là chiến lược của chúng tôi," Chủ tịch CMC, Nguyễn Trung Chính nói, ám chỉ việc ngành công nghệ thông tin của Việt Nam có lịch sử sử dụng chi phí lao động thấp để thu hút các hợp đồng phát triển từ các nền kinh tế tiên tiến.

"Chúng tôi sẽ đảm nhận các công việc phức tạp mà nhiều doanh nghiệp đối tác không thể xử lý", ông nói thêm. CMC mong muốn nắm bắt nhu cầu phát triển hệ thống ngày càng tăng từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty đã mở các văn phòng mới tại Seoul vào đầu tháng 5. Và họ cũng đang gửi các nhân viên Việt Nam đến Seoul, đồng thời tuyển dụng tại chỗ.

Nhân viên chăm sóc khách hàng Hàn Quốc của CMC dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% số lượng nhân viên trong toàn bộ mảng kinh doanh toàn cầu. Doanh thu hợp nhất dự báo sẽ tăng gần gấp ba vào năm 2028 so với năm 2023 lên 1 tỷ USD, và thị trường Hàn Quốc được kỳ vọng đóng góp đáng kể vào mục tiêu đó.

Hành trình phát triển của CMC cũng tương đồng khi làm phần mềm cho Nhật Bản. Nếu CMC có thể tiến vào thị trường Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng, họ có thể tạo ra sự khác biệt so với FPT, theo tờ Nikkei Asia bình luận.

CMC đã cung cấp dịch vụ cho SK Group và các công ty Hàn Quốc khác từng đầu tư vào Việt Nam. Năm 2019, Samsung SDS đã ký thỏa thuận trở thành cổ đông lớn của CMC. "Tôi không nghĩ rằng ai cũng biết đến cái tên CMC ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, CMC đã đồng hành cùng các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc hơn hai thập kỷ," ông Chính nói.

VTI, một công ty công nghệ Việt Nam đang lên cũng đã mở văn phòng vào tháng 4 tại Fukuoka, Nhật Bản, để giao tiếp gần gũi hơn với khách hàng địa phương. Chi nhánh này sẽ tăng số lượng nhân viên lên 100 người, bao gồm các kỹ sư nói tiếng Nhật. Văn phòng ở Fukuoka sẽ làm việc với nhân viên ở Việt Nam và Hàn Quốc để mở rộng kinh doanh tại thị trường Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm