Doanh nghiệp

Casumina (CSM) nói gì sau khi hai lãnh đạo bị bắt?

CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina - Mã: CSM) đã có thông cáo chính thức về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai lãnh đạo của công ty. 

Chiều 29/5, Casumina cho hay đã nhận được quyết định của Viện kiểm soát nhân dân tối cao về việc khởi tố bị can đối với ông Phạm Hồng Phú - Tổng Giám đốc CSM và ông Nguyễn Minh Thiện - Phó Tổng Giám đốc kiêm người công bố thông tin của công ty, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Công ty cho biết luôn sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan nhằm hỗ trợ các vấn đề về điều tra, sẽ có các biện pháp theo quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty, khách hàng, các đối tác có liên quan và của các cổ đông.

Casumina khẳng định "vẫn tiếp tục duy trì tập trung thực hiện nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2024 đã được ĐHĐCĐ thông qua".

Casumina là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) do Vinachem nắm 51% vốn. Công ty có vốn điều lệ 1.036 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất săm lốp.

Sau thông tin hai lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu CSM đang niêm yết trên HOSE giảm sàn về 17.400 đồng/cp phiên 30/5 với giá trị vốn hoá thị trường hơn 1.800 tỷ đồng.

Năm 2024, Casumina lên kế hoạch doanh thu 5.024 tỷ đồng, giảm 9%so với thực hiện 2023, còn lãi trước thuế tăng 14% lên 80 tỷ đồng.

Tính riêng quý I, Casumina ghi nhận doanh thu thuần hơn 1,147 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế đạt gần 24 tỷ, gấp 4,3 lần quý I/2023. Lãi ròng đạt 20 tỷ, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Về khó khăn, lãnh đạo thông tin thực tế hoạt động kinh doanh quý I cho thấy giá nguyên vật liệu chủ yếu vẫn có xu hướng tăng, chi phí vận tải đường biển vẫn ở mức cao. Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại vẫn chưa được Nhà nước kiểm soát triệt để, việc bán phá giá của lốp nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan đối với các loại sản phẩm lốp ô tô diễn ra ngày càng gay gắt

Về thuận lợi, doanh nghiệp dự báo nhu cầu vận tải trong nước tăng, dẫn đến nhu cầu về săm lốp xe tăng. Vận tải đường bộ dự kiến sẽ phát triển mạnh trong những năm tới và được kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với tư cách là một trung tâm sản xuất của khu vực.

Sự dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện (bao gồm nhóm xe máy và ô tô các loại). Xu hướng phát triển công nghệ sản xuất xe điện của thế giới sẽ kéo nhu cầu săm lốp đáp ứng chuỗi cung ứng (OEM) và thay thế theo hướng tiện ích, nhỏ gọn, nhiều mẫu mã và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng chuyển đổi sang sản phẩm săm lốp xe có hàm lượng kỹ thuật cao theo xu hướng phát triển công nghệ lốp xe (xe máy không săm, lốp bố thép).

Hiện nay, theo số liệu thống kê của Casumina và các đơn vị nghiên cứu thị trường, nhu cầu chuyển đổi lốp xe máy không săm đang diễn ra mạnh mẽ với tỷ lệ 60%-75%. Xu hướng chuyển đổi từ lốp ô tô tải mành chéo sang lốp bố thép cũng ngày càng tăng (đối với cả khu vực nội địa và xuất khẩu).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm