Theo công bố của Google ngày 30/5, số tiền được dùng để xây trung tâm dữ liệu và đám mây đầu tiên tại Malaysia trong bối cảnh nhu cầu AI và cloud tăng lên, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của hãng tại Malaysia trong 13 năm hoạt động ở đây.
"Khoản đầu tư được đưa ra dựa trên mối quan hệ hợp tác với chính phủ Malaysia nhằm thúc đẩy 'chính sách ưu tiên đám mây', gồm các tiêu chuẩn an ninh mạng tốt nhất", Ruth Porat, Phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính Alphabet, cho biết.
Theo bà Porat, trung tâm khi đưa vào vận hành sẽ phục vụ các dịch vụ kỹ thuật số của Google, như Search, Maps và Workspace, cũng như cung cấp dịch vụ đám mây cho công ty và tổ chức trong khu vực công và tư nhân. Hệ thống cũng phục vụ chương trình "xóa mù AI" cho dành cho sinh viên và nhà giáo dục.
Dự kiến, trung tâm được đặt tại Elmina, miền trung bang Selangor. Google chưa thông báo thời gian xây dựng và vận hành. Tuy nhiên, công ty ước tính sẽ đóng góp hơn 3,2 tỷ USD vào GDP của Malaysia và hỗ trợ 26.500 việc làm tại đây vào năm 2030.
"Khoản đầu tư của Google sẽ thúc đẩy đáng kể tham vọng kỹ thuật số đã được đưa ra trong Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 của quốc gia chúng tôi", Tengku Datuk Seri Utama Zafrul Aziz, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết.
Nước này hiện là điểm đến của nhiều công ty công nghệ toàn cầu. Đầu tháng, Microsoft đầu tư 2,2 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn YT của Malaysia tuyên bố sẽ bắt tay với Nvidia xây dựng cơ sở hạ tầng AI trị giá 4,3 tỷ USD.
Ngày 28/5, Apple thông báo mở Apple Store tại Malaysia. Cửa hàng được đặt trong tổ hợp trung tâm thương mại The Exchange TRX ở Kuala Lumpur, khai trương ngày 22/6. Đây là thị trường thứ ba ở Đông Nam Á có cửa hàng chính thức của Apple, sau Singapore, Thái Lan.
Trong khi đó, phía Malaysia cũng nỗ lực đầu tư vào nguồn lực trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động. Tại Triển lãm công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á 2024 (SEMICON SEA) ở Kular Lumpur ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim công bố Chiến lược bán dẫn quốc gia, trong đó chính phủ đầu tư ít nhất 5,33 tỷ USD trong vòng 5-10 năm để bồi dưỡng nhân tài và phát triển công ty địa phương. Nước này đặt mục tiêu đào tạo 60.000 kỹ sư trong mọi lĩnh vực của ngành công nghệ bán dẫn như thiết kế, đóng gói, kiểm thử.
(theo Reuters, CNBC)