Sáng nay 10.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo. Nội dung nhận được nhiều quan tâm, đó là nghĩa vụ của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh
ẢNH: GIA HÂN
Yêu cầu riêng với người nổi tiếng
Theo dự thảo luật, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (nói chung) phải tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác có liên quan đến việc cung cấp thông tin về tính năng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, phải cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm quy định.
Riêng với người có ảnh hưởng (người nổi tiếng - PV), hoặc chuyển tải sản phẩm quảng cáo trên mạng internet, nhóm này phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về sản phẩm thì không được giới thiệu về sản phẩm đó. Đồng thời, họ phải thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
So với trước đây, dự thảo lần này đã bỏ quy định người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo, vì tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Giải thích về việc áp dụng một số nghĩa vụ riêng biệt với người nổi tiếng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là nhóm đối tượng có lượng lớn người theo dõi và tin tưởng, lời nói, hành động của họ tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, nhiều người có ảnh hưởng đã giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Quy định như dự thảo sẽ buộc người nổi tiếng phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn đối tác quảng cáo, tránh tiếp tay cho hành vi quảng cáo gian dối.

Các đại biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
ẢNH: GIA HÂN
Mạng xã hội có nghĩa vụ gì?
Như đã đề cập, một trong những nghĩa vụ mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo, hoặc quảng cáo trên mạng internet là thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
Theo đó, hoạt động quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo.
Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp cho người sử dụng chức năng để phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi thực hiện quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt nội dung có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ với nội dung khác do mình cung cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, những quy định trên sẽ giúp phân biệt giữa thông tin thông thường và thông tin quảng cáo.
Thực tế cho thấy, nhiều người chuyển tải sản phẩm quảng cáo đã lợi dụng tính năng của mạng xã hội và các ứng dụng nhằm quảng cáo sản phẩm, nhưng sau đó lại không thừa nhận hoạt động quảng cáo. Mục đích để tránh thực hiện nghĩa vụ về thuế, hoặc chịu trách nhiệm khi sản phẩm không bảo đảm yêu cầu.
"Khuyến nghị" hoặc "xác nhận" cũng phải chịu trách nhiệm
Một điểm mới khác được đưa vào dự thảo luật, đó là chia người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo hai nhóm đối tượng: (1) người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; (2) người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác.
Đối với người trực tiếp quảng cáo trên mạng, phạm vi điều chỉnh không chỉ là hành vi "quảng cáo" mà còn bao gồm cả "khuyến nghị" hoặc "xác nhận".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, quy định này sẽ khắc phục tình trạng người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thừa nhận hành vi quảng cáo mà chỉ thừa nhận việc cung cấp thông tin đơn thuần về sản phẩm hoặc nêu ra trải nghiệm của mình với sản phẩm đó, nhằm tránh bị xử lý, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.