Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt bản Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2; trong đó đề nghị truy tố Trương Mỹ Lan và 33 bị can khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.
Bốn pháp nhân phát hành 25 mã trái phiếu "khống"
Trong đó, cơ quan điều tra kết luận Trương Mỹ Lan và đồng phạm có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành 25 gói trái phiếu “khống” (hơn 308 triệu trái phiếu) không có tài sản đảm bảo, mất khả năng thanh toán.
Cụ thể, theo kết luận điều tra năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB.
Khoảng tháng 8/2018, Trương Mỹ Lan họp với các nhân vật chủ chốt là lãnh đạo SCB và Chứng khoán TVSI bàn về chủ trương phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.
Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.
Từ đó, 4 pháp nhân được sử dụng để phát hành trái phiếu gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Sunny World và Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM.
Từ năm 2018- 2020, bốn công ty trên đã phát hành 25 mã trái phiếu “khống” không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về hơn 30.869 tỷ đồng.
Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác. Việc này nhằm hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, lấy lòng tin từ nhà đầu tư cho rằng dòng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.
Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ.
Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB.
Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB.
Đào tạo 2.000 nhân viên bán trái phiếu
Kết luận điều tra cho thấy, với vai trò Tổng giám đốc điều hành chung hoạt động của Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của SCB xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị mời chào khách hàng mua sản phẩm trái phiếu.
Giữa Ngân hàng SCB và Chứng khoán TVSI ký kết các hợp đồng hợp tác về việc SCB hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu để khách hàng ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu với Chứng khoán TVSI, đại diện cho các tổ chức phát hành.
Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng nghìn trái chủ về tới TVSI.
TVSI sẽ chuyển tiền cho các công ty trái chủ sơ cấp hoặc các công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Tiếp đó, các công ty này chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần để các cá nhân rút tiền, sử dụng.
Toàn bộ việc sử dụng tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ.
Các bị can đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác. Từ đó, dẫn đến không có đủ nguồn tiền chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.
Vạn Thịnh Phát đề xuất khắc phục trên 1.000 tỷ đồng
Cũng theo Kết luận điều tra, ngày 22/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản số 11/2024/CV-VTP đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến Tập đoàn với tổng giá trị 1.015 tỷ đồng.
Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 13 công ty liên quan cam kết tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền 519 tỷ đồng, đã nộp, chuyển trực tiếp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Đối với các tài khoản của các Công ty đang bị ngăn chặn giao dịch, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề xuất sử dụng toàn bộ số tiền đang bị ngăn chặn 291 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Đối với Công ty Cổ phần Bông Sen và Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc đang có nghĩa vụ nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo đang lưu hành, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các tài sản đảm bảo để tạo nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Đồng thời, Tập đoàn cam kết sử dụng số tiền 69 tỷ đồng của Công ty Bông Sen và 133 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc dùng để khắc phục cho các trái chủ sở hữu trái phiếu của 2 Công ty này.
Ngày 27/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản số 12/2024/CV-VTP cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ xác định các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển 221 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Đối với số tiền 291 tỷ đồng trong các tài khoản được Vạn Thịnh Phát và các Công ty tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển Tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.