Bất động sản

Sắp tới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng các loại bất động sản nào?

Một trong những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước.

Chia sẻ kỹ hơn về điểm mới này trong Luật Đất đai 2024, theo ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là một chủ thể sử dụng đất được quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai 2024.

Đồng bộ với Khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy, người gốc Việt Nam được nhận chuyển nhượng các loại bất bất động sản nào ở Việt Nam theo quy định tại Luật Đất đai 2024?

Ông Quê viện dẫn, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (trích điểm c Khoản 1 Điều 28).

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự (điểm h Khoản 1 Điều 28).

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở (điểm i Khoản 1 Điều 28), được Nhà nước cho thuê đất (điểm k Khoản 1 Điều 28).

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo bản án, quyết định của Tòa án,… (trích điểm m Khoản 1 Điều 28).

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (Khoản 1 Điều 44).

"Như vậy, người gốc Việt Nam được nhận chuyển nhượng tất cả các loại hình bất động sản trong dự án phát triển nhà ở: Liền kề, biệt thự, căn hộ chung cư, nền đất thời gian sử dụng lâu dài.

Đối với đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở, người gốc Việt Nam được nhận thừa kế.

Đối với nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, người gốc Việt Nam được nhận tặng cho từ những người thuộc hàng thừa kế.

Các sản phẩm bất động sản có thời hạn sử dụng, có tính chất thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng như sàn tmdv, kiot chợ, condotel, officetel, biệt thự - liền kề nghỉ dưỡng, shophouse... người gốc Việt Nam cơ bản chỉ được thuê", ông Quê cho biết.

Đánh giá tác động về điểm mới này, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB cho rằng sẽ tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư vào thị trường Việt Nam, tạo ra nguồn nhu cầu bất động sản mới. Giảm thiểu các tranh chấp trước đây phát sinh do kiều bào phải nhờ người tại Việt Nam nhờ đứng tên hộ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm