Cuộc tranh tài Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 vừa kết thúc sáng nay, 25/11. Theo đó, những cái tên thắng cuộc đã hoàn toàn lộ diện.
Giải nhất đã thuộc về startup Nguyễn Ngọc Hương với dự án Bột rau sấy lạnh đến từ TP. HCM;
2 giải nhì thuộc về startup Trương Lê Huy Hoàng cùng dự án Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp) và Phạm Minh Tiến sở hữu dự án Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước (TPHCM).
3 giải 3 thuộc về: Nguyễn Thị Ngọc Như – Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường (Bến Tre), Phạm Hồng Sơn – FAGO 4.0 Nông dân bứt phá (Hưng Yên) và Giàng A Dạy – Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông (Sơn La).
Từ kết quả cuộc thi có thể thấy, với những lợi thế mà mình có, TP. HCM vẫn rất mạnh trong chuyện khởi nghiệp, ngay cả ở mảng không phải thế mạnh như nông nghiệp.
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, vòng chung kết năm nay có 29 dự án đến từ 22 tỉnh/thành như Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đắc Nông, Vũng Tàu, Đắc Lắc và TP. HCM.
Khác với 4 mùa thi trước, vòng chung kết năm nay có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, xuyên suốt 2 ngày trước chung kết.
Tại vòng bán kết, Hội đồng giám khảo đánh giá rằng: những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đội thi đã bắt đầu ý thức và quan tâm đến các chứng thực về sản phẩm, thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm để cung cấp cho Ban tổ chức.
Ban giám khảo, các thí sinh và người đoạt giải của cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019.
Điểm mạnh nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo được các chủ dự án phát huy nhuần nhuyễn. Đây là con đường để các dự án phát triển và sống sót, không chỉ trong cuộc thi mà còn xuyên suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ sau này. Nhiều thí sinh đã hiểu được cách làm thế nào để tìm ra những sản phẩm mới đúng theo nhu cầu của thị trường ngách. Thêm nữa, không ít dự án mang đến sự đổi mới nhất định về thị trường.
Tuy nhiên, để có được lợi thế cạnh tranh lâu dài, các thí sinh cần học hỏi nhiều hơn, đặc biệt là phải định hình mô hình kinh doanh rõ ràng hơn nữa.
Năm nay, thông qua tìm hiểu các dự án, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị. Có những dự án có nguyên liệu giống nhau nhưng cách chế biến và định vị khách hàng lại tuỳ theo khẩu vị và công thức khác nhau. Ví dụ: cùng là quả mắc mật, Dương Hữu Điện (Lạng Sơn) chọn dự án Chiết xuất gia vị nước sốt quả mác mật còn Hoàng Thị Bích Vân (Lâm Đồng) là Sản xuất nước chấm lên men từ quả mắc mật; về rau có dự án Các loại bột rau sấy lạnh và DalaHouse Giải pháp bổ sung rau củ cho cả gia đình…
Hai dự án đến từ Sơn La là Phát triển sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa của La Văn Quý và Phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng ở Bản Rừng Thông, huyện Mai Sơn của Giàng A Dạy cũng rất đáng quan tâm. Trong đó, Giàng A Dạy là thí sinh từng du học ở Israel – cái nôi của nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Cao Minh Long – thí sinh đến từ Nghệ An với đề tài Nâng cao hiệu suất sản xuất nấm bằng phương pháp sốc nhiệt kết hợp bổ sung dinh dưỡng. Đây là cách làm táo bạo, mang tính sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả cũng như sản xuất các loại nấm ăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Đặc biệt, những dự án tiếp tục thi lại năm nay đều được các startup chú ý khắc phục những thiếu sót đã được Ban giám khảo góp ý từ kỳ thi trước như dự án Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn của Trương Lê Huy Hoàng, Khô ba khía của Dương Thị Hồng Chuyên (cùng tỉnh Đồng Tháp), dự án Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường - Nguyễn Thị Ngọc Như hay dự án Bột rau sấy lạnh của Nguyễn Ngọc Hương …
Theo đó, việc các cựu binh như Nguyễn Ngọc Hương hay Trương Lê Huy Hoàng cùng Nguyễn Thị Ngọc Như đạt giải cao trong cuộc thi năm nay có công lao rất lớn của Ban giám khảo trong mùa trước.
Cơ cấu giải thưởng
- 01 Giải Nhất: Bằng khen của TW Đoàn, 50 triệu đồng và hỗ trợ vốn vay tối đa 1 tỷ đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
- 02 Giải Nhì: Bằng khen của TW Đoàn, 30 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 500 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
- 03 Giải Ba: Bằng khen của TW Đoàn, 15 triệu đồng/giải, hỗ trợ vốn vay tối đa 300 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
- 04 Giải khuyến khích: Bằng khen của TW Đoàn, 10 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 200 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
Các giải thưởng phụ
- 50 suất đào tạo (trị giá 10 triệu/suất) do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ trao tặng.
- 02 suất mentor của Hội nữ doanh nhân TP.HCM trong thời gian 1 năm (trị giá 50 triệu/suất)
- 03 suất quà tặng voucher 10 triệu/suất là sản phẩm, công cụ nông nghiệp do Công ty TNHH Lợi Lợi Dân tài trợ
- 10 suất thành viên hạng vàng trong 1 năm trị giá 1,500 USD/suất (33 triệu đồng) do Trang TMĐT Trandingfoe trao tặng