Trong Covid-19, 2 nhà lãnh đạo tích cực lên truyền thông để nói chuyện nhất là ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch của Thiên Minh Group (năm 2020) và ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings (năm 2021). Theo đó, đây cũng là hai doanh nghiệp ngành du lịch “vùng vẫy” quyết liệt nhất trong suốt đại dịch, thậm chí Vietravel Holdings còn ra mắt hãng hàng không mới vào cuối năm 2020 với tên gọi Vietravel Airlines.
Tất nhiên, với thực tế thị trường, thì dù các lãnh đạo trong ngành du lịch có tài giỏi như thế nào, cũng không thể khiến doanh nghiệp tốt như lúc chưa dịch. Dịch bệnh đã khiến các chỉ số tài chính của Vietravel Holdings rất xấu trong suốt năm vừa qua.
Ngày 27/8/2021, Vietravel (mã chứng khoán VTR) đã gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xin tạm hoãn công bố thông tin về tài chính. Trước đó, trong tháng 7/2021, Vietravel cũng đã gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2021.
Ngành du lịch, hàng không chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong khi đây là hai mảng hoạt động chính của Vietravel, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của Công ty. Điều này khiến Vietravel thường xuyên rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Vietravel lỗ 72,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 41,5 tỷ đồng. Cả năm 2020, Công ty lỗ 98,9 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu VTR có giá 30.100 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, dù sao làm gì đó vẫn tốt không làm gì và nếu chỉ nhìn về khía cạnh phản ứng với thời cuộc, thì Vietravel Holdings vẫn rất đáng khen và là một "chú lính chì" dũng cảm nhất của ngành du lịch Việt Nam.
Vietravel đã mở cửa 36 chi nhánh trong và ngoài nước
Sau hai năm liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần chấp nhận thực trạng chuyển sang trạng thái ‘sống chung’ thay vì đạt được mục tiêu "zero Covid-19".
Giờ đây Chính phủ các nước đều đang trong tiến trình mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trong trạng thái ‘bình thường mới’.
Thực hiện chính sách ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’, Việt Nam cũng đã có những biện pháp dần gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và bước đầu thử nghiệm ‘du lịch bong bóng’ nội địa.
Theo dự đoán của đại diện Vietravel Holdings, thì thời điểm từ tháng 11/2021 trở đi, dự kiến du lịch Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn sôi động, khi các điểm đến như Phú Quốc, Quảng Nam... đón hàng loạt chuyến bay theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine.
Dự đoán triển vọng thoát đáy du lịch nội địa và cơ hội hồi phục du lịch quốc tế sau đợt dịch lần thứ 4 gần như ‘đóng băng’ thị trường, ngày 18/10/2021 vừa qua, Vietravel đã chính thức khởi động lại hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc.
Ngày 15/11/2021, 6 văn phòng du lịch nước ngoài thuộc hệ thống Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Úc, Pháp, Mỹ cũng đã mở cửa trở lại để phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.
Tái cấu trúc cơ cấu doanh nghiệp - "lời giải" cho bài toán phục hồi
Vận tải hành khách và du lịch là hai lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid-19. Sau hai năm chống chịu trước bốn đợt bùng phát, ngành du lịch "tê liệt" hoàn toàn. Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam lũy kế 10 tháng năm 2021 chỉ đạt 125 nghìn lượt khách, tương ứng mức giảm 99% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2019 (14,5 triệu lượt khách) và giảm 96,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 10 tháng, vận tải hành khách ước đạt 2.141 triệu lượt khách, giảm 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng không sụt giảm sâu 48,2% do đường bay nội địa hoạt động cầm chừng với công suất hạn chế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings
Đứng trước tình hình khó khăn này, Chủ tịch Vietravel Holdings cho biết: họ đã quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh của tập đoàn theo hướng Holdings, hướng tới vị thế dẫn đầu đổi mới - sáng tạo - phát triển bằng nhiều phương thức như điều chỉnh bộ máy hoạt động, quảng bá truyền thông, xúc tiến tăng cường chuyển đổi số để giảm thiểu chi phí và tiếp cận đến với khách hàng sâu hơn.
Triển khai theo định hướng về Nghị quyết đã được ĐHCĐ thông qua, Vietravel Holdings đang triển khai cổ phần hoá Vietravel Airlines và kiện toàn lại hệ thống kinh doanh du lịch của Vietravel, cũng như sắp xếp lại các công ty thành viên khác của Vietravel Holdings.
Trong đó, Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ, Vietravel và Vietravel Airlines vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn, cùng hỗ trợ cho sự phát triển của Vietravel theo mô hình hàng không - lữ hành, đúng như định hướng đề ra ban đầu khi thành lập Vietravel Airlines.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, lĩnh vực du lịch vẫn là ngành trọng yếu của Vietravel, cùng với quá trình mở cửa trở lại đường bay trong nước và quốc tế của Vietravel Airlines, sẽ là cơ hội để công ty nhanh chóng phục hồi và bắt nhịp thị trường thời kỳ hậu Covid.
Thích ứng với Covid - 19, bền bỉ "lội" ngược dòng
"Người ta nói cá hồi vượt thác ngược dòng có thể nói là hiện tượng tự nhiên đẹp bậc nhất. Vẻ đẹp đó nằm ở chỗ người quan sát phải nín thở khi nhìn thấy cá hồi quăng mình vào trò chơi của sự may mắn và kiên nhẫn. Chúng phải phóng thân mình cao hơn dòng chảy - đó là cách duy nhất để vượt qua con thác.
Muốn vậy, chúng phải bơi với tốc độ rất nhanh và cơ thể cùng phải được cấu tạo phù hợp cho những lần ‘gồng mình’ quyết liệt và liên tục này. Ngành du lịch, doanh nghiệp và người làm nghề du lịch, trong giai đoạn này đều phải thích nghi với Covid, quyết tâm, bền chí ‘lội’ ngược dòng để trở lại đường đua", ông Nguyễn Quốc Kỳ ví von.
Vietravel Holdings luôn trong tâm thế sẵn sàng hoạt động trở lại bất cứ khi nào được phép.
Không chỉ nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực du lịch, ngay trong thời kỳ khó khăn nhất, nhằm chuẩn bị cho tương lai, Vietravel vẫn bền bỉ đầu tư vào những chương trình và kế hoạch mang tính chất nền móng, hướng tới thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Tập đoàn trong tương lai.
Cụ thể như: phát triển hệ thống dịch vụ phụ trợ, duyệt thông qua kế hoạch hoạt động 5 năm cho Vietravel Airlines giai đoạn từ 2021-2025 với tổng vốn đầu tư được tăng lên 1.300 tỷ đồng từ 700 tỷ ban đầu.
Vietravel cũng đã và đang thực hiện được các chương trình liên quan đến du lịch inbound như Hộ chiếu vaccine, triển khai các gói dịch vụ bay hồi hương về Việt Nam từ Úc, Mỹ và các chuyến quá cảnh từ Hàn Quốc. Hiện nay tỉnh Kiên Giang và Khánh Hoà đã có công văn tiếp nhận khách hồi hương từ các chuyến bay do Vietravel tổ chức.
Vietravel Holdings cũng đã tích cực tham gia vào các đoàn công du của Thủ tướng đi châu Âu và Nhật. Đặc biệt, chuyến công du Nhật có sự tham gia của Tổng Giám đốc Vietravel cùng các thoả thuận thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch Nhật bản với Chủ tịch Indochina Travel Forum (ITF) và Overseas Tour Operators Association of Japan (OTOA).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống phân phối với các đối tác, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam để phát triển tập khách hàng mới và nâng cao hình ảnh năng động của Vietravel.
Dự kiến quý I/2022 sắp tới, khi du lịch dần phục hồi hoàn toàn, Vietravel dự kiến chỉ tiêu khách và doanh thu sẽ tăng trưởng 175% so với cùng kỳ. Đây cũng là thời điểm Vietravel Holdings đưa vào khai thác chi nhánh tại Dubai, mở rộng thị phần sang vùng Trung Đông tiềm năng và đầy thách thức.