Kết quả khảo sát từ Checkster, một công ty chuyên cung cấp những tài liệu, thông tin để phục vụ cho quá trình tham khảo và tuyển dụng nhân sự, cho thấy: "78% ứng viên đã nộp đơn xin việc hoặc nhận được lời mời làm việc trong 6 tháng gần đây thừa nhận, họ đã làm hoặc sẽ xem xét về việc trình bày những thông tin về bản thân sai lệch đi một chút". Nói cách khác, cứ 6 người đi tìm việc thì có 1 người nói rằng, họ sẽ không cung cấp chính xác hoàn toàn những thông tin cá nhân của họ cho những nhà tuyển dụng.
Cuộc khảo sát được thực hiện với thông tin được lấy từ 400 người nộp đơn xin việc và trên 400 nhà tuyển dụng, cùng các chuyên gia nhân sự khác.
Dưới đây là những lời nói dối phổ biến nhất thường được các ứng viên trình bày trong quá trình tuyển dụng:
● Họ thành thạo các kỹ năng mà hầu như họ chẳng bao giờ sử dụng, ví dụ như Excel hoặc ngoại ngữ...: 60%
● Nói dối về khoảng thời gian mà họ đã làm ở một công ty. Họ thường sẽ khai khống khoảng thời gian họ làm ở công ty cũ dài hơn so với thực tế: 50%
● Khai dối điểm trung bình học vấn mà họ đã đạt được cao hơn nửa điểm so với thực tế: 49%
● Nói dối rằng mình từng giữ chức danh giám đốc, trong khi thực tế, họ chỉ mới là trưởng phòng hoặc làm ở một chức vụ khác có cấp bậc tương đương: 41%
● Khai dối rằng mình có bằng cấp đến từ một trường đại học danh tiếng, trong khi họ vẫn còn bị rớt một vài tín chỉ, hoặc chưa hoàn thành xong chương trình học của họ: 40%
● Khai thông tin sai lệch rằng, họ có bằng cấp từ một trường đại học danh tiếng, trong khi họ lại tốt nghiệp từ một trường nào đó khác: 39%
● Khai gian rằng, mình có bằng cấp từ một trường đại học danh tiếng, trong khi họ chỉ mới tham gia vào một lớp học trực tuyến mà thôi: 39%
● Họ khoác lác và khai gian dối về những gì mà bản thân họ không thực sự có: 33%
Kênh CNBC Make It đã nói chuyện cùng với những người lao động từng khai dối thông tin của mình khi đi tuyển dụng, và tìm hiểu được thông tin về những gì đã xảy ra với họ sau khi họ thực hiện hành vi đó.
Thổi phồng sự thật để được nhận vào làm việc
Stacy Caprio, 28 tuổi đến từ Boston, đã dành ra một học kỳ trong chương trình học đại học của mình để du học ở Hồng Kông và theo học một lớp đào tạo tiếng Quan Thoại (Mandarin) cấp độ 1. Sau đó, cô ta đã học thêm một khóa học ở "trình độ sơ cấp" về ngôn ngữ này, để bổ sung thêm thành tích cho hồ sơ xin việc của mình tại LinkedIn.
Cô chia sẻ: "Nhiều lần khi tôi tham gia vào các cuộc phỏng vấn xin việc hoặc trong các tình huống khác, mọi người đã để ý đến chi tiết này trong hồ sơ xin việc và hỏi rằng, liệu tôi có thể nói tiếng Quan Thoại hay không" Tuy vậy, Caprio luôn trả lời rằng: "Không, tôi không hề biết nói ngôn ngữ này và tôi chỉ đơn giản là đã từng tham gia một học kỳ du học ở Hồng Kông mà thôi".
Caprio thừa nhận, nếu bạn bổ sung chi tiết bạn biết thêm về một loại ngôn ngữ nào đó, nó sẽ khiến cho hồ sơ xin việc của bạn được đánh giá cao hơn. Ngay cả khi bạn không thật sự giỏi hoặc biết về thứ ngôn ngữ đó, nó cũng sẽ khiến cho bạn được chú ý hơn so với những ứng viên khác. Caprio chia sẻ: "Thông tin này có thể giúp tôi và nhà tuyển dụng bắt đầu cuộc trò chuyện một cách thú vị hơn và nó sẽ giúp tôi có thể chia sẻ về những gì mà tôi đã học được, khi sống và học tập tại Hồng Kông".
Không phải tất cả các ứng viên đều sẽ luôn trung thực. Khi được khảo sát về mức độ sẵn sàng nói dối của các ứng viên trong các buổi phỏng vấn, có đến gần một nửa trong số họ trả lời rằng, họ đã hoặc sẽ cân nhắc thổi phồng đáng kể vai trò của mình trong một dự án quan trọng trong quá trình phỏng vấn. Những lời nói dối phổ biến khác bao gồm việc họ đã rời bỏ một công việc trước đây vì bị sa thải, hoặc đưa ra những kinh nghiệm của bản thân để chứng minh rằng họ phù hợp với công việc mới. Thậm chí các ứng viên cũng có thể sẽ khai sai sự thật về mức lương mà họ từng nhận được ở công việc cũ.
Miguel Cairo, 34 tuổi đến từ Dania Beach chia sẻ rằng, anh đã từng khai sai sự thật về khoảng thời gian anh ta làm việc, với tư cách là nhà phân tích hệ thống, tại một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn. Anh ta nói dối rằng, mình đã từng làm việc ở đó tận hơn 4 năm.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 4 năm đó, Cairo đã rời công ty cũ để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, với việc bán những chiếc điện thoại di động được tân trang lại. Không may, sau khi đưa ra một số lựa chọn không phù hợp cho hoạt động tiếp thị của mình, mọi thứ đã chuyển biến xấu đi. Cairo thất bại và một lần nữa, anh ta lại quay trở lại tìm kiếm một công việc khác. Cairo nói rằng: "Tôi nghĩ rằng hồ sơ xin việc của tôi sẽ đẹp hơn nếu tôi khai gian rằng, tôi đã từng làm việc cho một công ty nào đó, thay vì phải giải thích về những dự án kinh doanh thất bại hay nói rằng tôi đã chẳng làm gì trong suốt 4 năm".
Suốt 3 tháng tiếp theo sau khi đã nộp đơn và phỏng vấn xin việc, vẫn chẳng ai biết được sự thật về những gì mà Cairo đã liệt kê và cuối cùng, anh ta vẫn nhận được một công việc tương tự như với vị trí công việc mà anh từng đảm nhiệm tại nơi làm việc cũ. Tuy vậy, anh ta cuối cùng cũng đã nghỉ việc sau khoảng hơn 1 năm làm việc tại chỗ làm mới.
Hiện nay, Cairo chia sẻ: "Một lần nữa, tôi lại quay trở lại làm việc tự do với vai trò là một nhà tiếp thị trực tuyến và làm một blogger toàn thời gian".
Một số nhà tuyển dụng sẵn sàng bỏ qua khi các ứng viên nói dối
Yves Lermusi, Giám đốc điều hành của Checkster, cho biết ông không hoàn toàn ngạc nhiên khi các ứng viên có nhiều khả năng sẽ nói dối về những kỹ năng hoặc kinh nghiệm của họ khi đi phỏng vấn.
Lermusi nói rằng: "Việc bạn phóng đại những kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân là điều có thể dễ dàng được bỏ qua trong quá trình phỏng vấn. Một phần là bởi, nó sẽ rất khó để có thể kiểm chứng được những gì bạn nói có phải là sự thật hay không, trừ khi có một bài kiểm tra kỹ năng trong quá trình này. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng mới thường cũng sẽ ít khi kiểm tra lại thông tin của các ứng viên qua những nhà tuyển dụng cũ trước đây của họ, để xác nhận thông tin".
Điều này cho thấy, các nhà tuyển dụng dường như khá khoan dung đối với những ứng viên đã nói dối sự thật. Chỉ có khoảng 1 trong 3 nhà tuyển dụng sẽ không chấp nhận một ứng viên mà họ đã nói dối. 66% còn lại trong số họ hầu như sẽ dễ dàng bỏ qua điều này. Họ sẽ chấp nhận tuyển những ứng viên như vậy nếu như những ứng viên đó cho họ "một lời giải thích nghe hợp lý", hoặc cũng có thể là vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Bên cạnh đó, có đến 92% những nhà tuyển dụng sẽ vẫn chấp nhận thuê một ứng viên, mặc dù họ đã nói dối về số điểm và mức độ kiến thức của họ.
Mặc dù vậy, vẫn có những nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ thuê những ứng viên đã nói dối trong quá trình tuyển dụng!
Lermusi nói rằng, ông rất ngạc nhiên khi có phần lớn các nhà tuyển dụng sẵn sàng nhận các ứng viên không trung thực. Những bên cạnh đó, ông cũng phải thừa nhận rằng, đôi khi thị trường lao động eo hẹp cũng sẽ khiến họ phải chịu áp lực, khi phải cố gắng tìm kiếm nhân sự để lấp đầy các vị trí, ngay cả khi họ biết rằng điều đó có thể gây bất lợi cho họ và công ty.
Tuy nhiên, theo Lermusi: "Thực trạng này có thể khiến những ứng viên thật sự trung thực, những người đang cố gắng để tìm việc, nản lòng và phải chịu nhiều thiệt thòi" "Hơn nữa, hầu như những ứng viên không trung thực thường sẽ không gắn bó lâu dài với nơi mà họ đang làm việc"
Đối với một số người lao động, việc không trung thực sẽ khiến họ sớm bị sa thải
Những thứ dối trá và không trung thực sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc bị phát hiện. Những ứng viên không trung thực, kém năng lực rồi cũng sẽ bị phát hiện và bị cho thôi việc mà thôi.
Vào tháng 11 năm 2019, một cuộc điều tra của NBC News cho thấy, Mina Chang, phó trợ lý Bộ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã ngụy tạo lý lịch và đưa ra những tuyên bố sai lệch về lý lịch nghề nghiệp của cô, trong đó bao gồm cả việc làm giả hình ảnh của mình xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time. Cô ta đã từ chức một tuần sau đó. Trường hợp của Chang là một ví dụ rất điển hình. Việc khai sơ yếu lý lịch không trung thực có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Gail Tolstoi-Miller, Giám đốc điều hành của công ty nhân sự Consultnetworx, New Jersey, trước đây đã từng tham gia cố vấn cho một công ty dược phẩm, để tiến hành kiểm tra và xác thực thông tin của nhân viên công ty này. Trong quá trình này, một công nhân không trung thực về bằng cấp đã bị sa thải.
Tolstoi-Miller nói về một chuyên gia giàu kinh nghiệm đã có nhiều năm làm việc với công ty rằng: "Những gì họ phát hiện ra là anh ta đã làm giả bằng đại học, trong khi thực tế thì anh ta không hề đạt được trình độ này" "Chúng ta đang nói về công việc, nghiên cứu và phát triển có tính chuyên môn cao. Người nhân viên đó đã bị sa thải vì nói dối. Bất cứ ai làm như vậy cũng đều sẽ lãnh kết cục đó mà thôi"
Tolstoi-Miller đề nghị những người đang tìm việc sử dụng các công cụ trực tuyến như Coursera và Udemy để trau dồi những kỹ năng mà mình còn thiếu sót. "Các ứng viên cần phải có kiến thức nền tảng tốt và học cách `bán` năng lực của bản thân theo cách tốt nhất mà họ có thể."
Theo khảo sát của Checkster, những người công nhân trong lĩnh vực xây dựng thường thiếu trung thực nhất trong quá trình tuyển dụng. Tiếp theo đó là đến lĩnh vực Công Nghệ Thông tin và phần mềm, công nhân trong ngành bán lẻ và sản xuất.
Những người lao động trung thực nhất chính là những ứng viên từng làm trong lĩnh vực khách sạn và dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, ngành giáo dục và công chức nhà nước.