01. Trào lưu FIRE là gì?
FIRE là từ viết tắt của "Financial Independence Retire Early", dịch ra là "Độc lập tài chính và về hưu sớm". Từ FIRE bắt nguồn từ cuốn sách best seller của Vicki Robin tựa đề "Your Money or Your Life" (Tiền bạc hay Cuộc sống) xuất bản năm 1992 tại Mỹ, mục đích nhằm thông qua việc tiết kiệm, tích lũy tài sản, dựa vào lãi suất từ đầu tư và quản lý tài chính để duy trì chi phí sinh hoạt hàng ngày, tạo cơ hội nghỉ hưu sớm, hưởng thụ một cuộc sống tự do thoải mái (ở độ tuổi 30s, 40s).
02. Để thực hiện FIRE cần bao nhiêu tiền?
FIRE được thiết lập dựa trên một tính toán tài chính đơn giản: Tiết kiệm và đầu tư thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được gấp 25 lần chi phí sinh hoạt một năm, sau đó phân bổ đầu tư hợp lý để đạt được lãi suất hàng năm đạt ít nhất 4%, khi đó, nếu mỗi năm bạn dùng số tiền lãi đầu tư này để sống thì tài sản của bạn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo, nhờ đó bạn sẽ không cần phải làm việc nữa.
Nguyên tắc 4% xuất phát từ một nghiên cứu của nhà tư vấn tài chính William Bengen đã được xuất bản năm 1994, ông sử dụng số liệu đầu tư của cổ phiếu Hoa Kỳ trong 50 năm để rút ra "Tỷ lệ Rút tiền an toàn" (The Safe Withdrawal Rate). Trên lý thuyết, tỷ suất sinh lợi hàng năm khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ là 7%, miễn là chi tiêu hàng năm của bạn nằm trong phạm vi 7% thì bạn không cần lo lắng gì nữa. Tuy nhiên, thiết lập rằng lạm phát chiếm 3% trong số đó thì 4% sẽ là con số an toàn.
Từ nguyên tắc 4%, chúng ta rút ra nguyên tắc 25: Số tiền để bạn đạt được tự do tài chính được tính bằng cách nhân số tiền cần tiêu hàng năm với 25 (= 100% chia 4%).
So với các trào lưu tự do tài chính lâu đời khác, mục tiêu của FIRE thực tế và dễ thực hiện hơn. Trong hai năm qua, 450.000 người Mỹ đã tham gia vào đội ngũ cố gắng tiết kiệm tiền và thực hiện lối sống FIRE, đặc biệt là với thế hệ Z.
03. Bốn hình thức FIRE phổ biến
Ở Mỹ có rất nhiều hình thức FIRE khác nhau, nhưng tựu chung lại có khoảng bốn loại phổ biến nhất:
1. Lean Fire: Những người tiết kiệm chỉ đủ cho chi tiêu ở mức tối thiểu, phải giảm thiểu chi tiêu nhiều nhất có thể, họ thường tuân thủ nghiêm ngặt chủ nghĩa sống tối giản.
2. Fat Fire: Những người tiết kiệm được nhiều và có tình trạng tài chính tốt hơn hầu hết những người nghỉ hưu bình thường khác, thông qua kiểm soát chi tiêu và đầu tư tài chính để đạt được nhiều tích lũy tài sản hơn.
3. Barita Fire: Những người đã từ bỏ công việc văn phòng công sở nhưng vẫn tham gia một số hình thức làm ngoài khác để chi trả các khoản phí hiện tại và nỗ lực tích lũy tiền.
4. Coast Fire: Những người đã tiết kiệm đủ tiền để chi trả cho chi phí sinh hoạt hiện tại và tương lai, nhưng vẫn làm một số công việc nào đó. Họ làm việc chủ yếu là vì sở thích và đam mê chứ không phải vì tình thế ép buộc.
Do vậy, FIRE thực chất là hướng xây dựng "hệ thống thu nhập bị động", giảm bớt nhu cầu vật chất, tập trung tích lũy tiền, khi tích lũy đến một con số nhất định, thông qua "thu nhập bị động" này để trang trải cuộc sống.
Ý tưởng cốt lõi của nó là:
Thoát khỏi cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng, từ bỏ ham muốn vật chất và giảm thiểu chi phí sinh hoạt;
Nhanh chóng tích lũy đủ tiền để có thể tạo thêm thu nhập, lấy thu nhập bị động trang trải cuộc sống.
Tất nhiên, kiếm tiền và tiêu tiền chỉ là phương thức, mục tiêu thực sự của chúng ta là "có được trải nghiệm cuộc sống tốt hơn". Nghỉ hưu không phải là không làm gì, mà là dành nhiều thời gian hơn để theo đuổi ước mơ và thực hiện giá trị của bản thân.
04. Lấy tiền ở đâu?
Để tăng tích lũy chỉ có 2 cách: tăng thu và giảm chi.
Trong đại dịch covid, rất nhiều người nhận thấy rằng phần lớn thu nhập của mình đều đến từ thu nhập chủ động, tức là nếu không đầu tư thời gian và sức lực để làm việc thì sẽ không có thu nhập. Nhiều người không có tiền dự trữ khẩn cấp, số tiền có được cũng không thể duy trì quá lâu, điều này thực sự rất nguy hiểm.
Đại dịch qua đi, họ không tiêu dùng với cường độ như trước đây nữa mà tiếp tục tích lũy tiền. Đây thực ra là sự sợ hãi của họ đối với tương lai, có tiền cũng không dám tiêu và cũng không muốn tiêu. Nhưng một thời gian qua đi, dưới tác động của các chương trình khuyến mãi hay các chính sách kích cầu của các doanh nghiệp, họ vẫn sẽ trở lại trạng thái ban đầu, vẫn sẽ không tiết kiệm được tiền.
Vậy có cách nào để tiết kiệm tiền hiệu quả hơn không?
1. Thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ tiêu trước rồi tiết kiệm sang tiết kiệm trước rồi mới tiêu.
Thói quen của hầu hết mọi người là tiền vào tài khoản thì cứ tiêu trước rồi mới tiết kiệm sau. Đi mua sắm các thể loại với tốc độ rất nhanh, không ngừng lại được, thậm chí quá tay còn thâm hụt vào cả thu nhập.
Với người theo đuổi trào lưu FIRE, lương vào tài khoản thì sẽ cứ để ở đó, tiết kiệm trước rồi mới tiêu sau. Ví dụ năm 30 tuổi bạn hy vọng sẽ tiết kiệm được 2.5 tỷ trong vòng 20 năm sau để bắt đầu nghỉ hưu thì bạn sẽ phải để dành 125 triệu mỗi năm và hơn 10 triệu mỗi tháng. Giả sử lương tháng của bạn là 30 triệu thì 10 triệu sẽ được gửi vào tài khoản trước, phần còn lại được dùng để trang trải chi phí.
Không phải ai cũng kiếm được 30 triệu và tiết kiệm 10 triệu mỗi tháng, bạn có thể căn cứ trên mức thu nhập cá nhân để tối ưu cho chính mình. Và trên thực tế, ở độ tuổi 30, để tích lũy được 2.5 tỷ trong vòng 20 năm có nhiều người còn không cần tiết kiệm đến 10 triệu mỗi tháng.
2. Phân bổ nguồn tiền rõ ràng
Hầu hết mọi người ít nhiều đều có thói quen tiết kiệm tiền, nhưng lại không thể tránh khỏi các loại cám dỗ: 618, 11/11,12/12..., các loại hình đầu tư có tính rủi ro cao như cổ phiếu/ trái phiếu, đầu tư hiện vật hay các khoản vay không tính lãi đến từ người thân và bạn bè. Vì vậy muốn phân bổ tiền rõ ràng là rất khó. Lúc này đây bạn nên tạo cho mình một chiếc "khóa", để tiền không thể di dịch từ nguồn này sang nguồn khác.
3. An toàn tuyệt đối
Tiết kiệm tiền còn cần một nguyên tố quan trọng nữa, đó là an toàn. Cho dù có tích trữ tiền ở đâu, nếu nơi đó không đủ an toàn thì dù bạn có để dành tất cả thu nhập của mình, cuối cùng sẽ chỉ quay về con số 0. Ngoài ra, trước khi quyết định tiến hành một hoạt động đầu tư bất kỳ, bạn nên tham khảo nhiều nguồn đáng tin cậy, tính toán và suy xét tất cả các yếu tố rủi ro trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Kết luận
Trào lưu FIRE đã và đang phát triển thịnh hành ở Mỹ, trong tương lai, số lượng người Việt Nam theo đuổi trào lưu này sẽ ngày càng nhiều, đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.
Hãy nghiên cứu về FIRE ngay từ bây giờ, đừng làm việc chỉ vì tiền, hãy biết bản thân mình vì điều gì mà sống.
Tuổi già không đáng sợ, đáng sợ là về già không đủ sức khỏe và không có đủ tiền để dưỡng lão. Hãy tiết kiệm một khoản lương hưu cho tương lai, đảm bảo tỷ lệ sinh lời, sống một đời ung dung tự tại, hưởng thụ an nhàn, theo đuổi giá trị của bản thân.