Theo khảo sát vừa công bố của hãng tuyển dụng và dịch vụ tính lương Adecco, hơn 43% sinh viên mới tốt nghiệp mong đợi mức lương từ 10 triệu đến dưới 15 triệu đồng mỗi tháng, và khoảng 31% muốn từ 6 triệu đến dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, 51% nhà tuyển dụng trả mức lương gộp hàng tháng từ 6 đến dưới 10 triệu đồng và chỉ 27,5% sẵn sàng trả từ 10 đến dưới 15 triệu đồng.
Cùng với đó, 88,5% người mới đi làm coi mức lương và chính sách đãi ngộ là ưu tiên hàng đầu, theo sau đó là cơ hội đào tạo và phát triển (87,7%), khả năng thăng tiến (73,8%). Cân bằng giữa công việc - cuộc sống và sự phù hợp văn hóa cũng khá được coi trọng (tương ứng là 67,2% và 55,7%).
Ông Melvin Fernando, Quản lý Quan hệ Việc làm & Doanh nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng không thể phủ nhận Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của nhiều gia đình. Vì vậy, "không có gì ngạc nhiên khi tiền lương và phúc lợi đóng vai trò quan trọng lúc nhận việc mới", ông nói.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội cũng đồng ý rằng, không có gì lạ khi sinh viên mới ra trường mong đợi mức lương cao. Tuy nhiên, để thuyết phục nhà tuyển dụng, điều quan trọng là phải chứng minh được giá trị xứng đáng họ có thể mang lại cho doanh nghiệp.
"Việc đòi hỏi mức lương quá cao so với năng lực có thể khiến bạn bỏ lỡ những kinh nghiệm thực tế hữu ích, một người lãnh đạo giỏi và một con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn. Để có những quyết định hợp lý, khi bắt đầu tìm việc, hãy lên danh sách các yếu tố chính mà bạn đang tìm kiếm, bao gồm cả những điều cần có và nên có, sau đó cân nhắc kỹ các yếu tố này ở từng vị trí ứng tuyển", bà khuyên.
Phản hồi từ các nhà tuyển dụng cho thấy, những lo ngại chính của họ khi tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, bao gồm thiếu kỹ năng mềm, kỳ vọng không thực tế và sự thiếu ổn định.
Bà Ý Phạm, Giám đốc tăng trưởng Nano Technologies, cho biết từng gặp nhiều sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên với kỳ vọng quá cao, do vẫn còn mơ hồ về con đường sự nghiệp. "Họ không có kinh nghiệm thực tế, nên dù tích cực học hỏi, họ thường bị vỡ mộng bởi tin vào những câu chuyện truyền miệng viển vông hay những chuyện thành công trong ngành", bà nói.
Vì vậy, bà Ý khuyến nghị người bắt đầu đi làm nên tập trung nhiều hơn vào phát triển cá nhân, thay vì những thành công phô trương như các chức danh hấp dẫn hay mức lương hàng tháng. "Ngoài ra, hãy chọn người lãnh đạo đầu tiên của bạn một cách khôn ngoan và cẩn thận. Họ có thể là người hướng dẫn và giúp bạn xác định con đường đúng đắn cho sự nghiệp tương lai", bà nói.
Ông Melvin đề nghị thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế bằng cách tập trung vào 2 yếu tố: sự gắn kết và tính minh bạch. Các tương tác thường xuyên như tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận hội đồng, hoặc trò chuyện với khách mời sẽ giúp cả tân cử nhân và nhà tuyển dụng có thể chia sẻ kỳ vọng của họ.
Bất chấp những lo ngại nhất định, các nhà tuyển dụng vẫn đồng ý rằng nhóm nhân sự trẻ đóng góp rất nhiều cho doanh nghiệp. Hơn 56% nhà tuyển dụng đánh giá cao tầm nhìn và sáng kiến mới, gần 54% đánh giá cao sự nhiệt tình, và 40% cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp giúp xây dựng một nơi làm việc đa dạng.
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu tìm kiếm sinh viên mới ra trường bị ảnh hưởng đáng kể. Gần 39% doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng, 27,6% tăng nhu cầu, và 28,7% doanh nghiệp cho biết không có thay đổi. Cụ thể, gần 19% nhà tuyển dụng giảm trên 50% nhu cầu tuyển dụng.
Vì vậy, sinh viên mới ra trường gặp nhiều trở ngại khi tìm việc. Hơn 59% các tân cử nhân tin rằng hiện nay có ít cơ hội việc làm hơn trước. 41,8% lo ngại về việc thiếu kiến thức thực tế, và 40% nói có ít có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng hơn. Gần 37% lo lắng về thị trường lao động bất ổn.
Ông Brian O'Reilly, Điều phối viên Chương trình MBA, Đại học Việt Đức (VGU), cho rằng, những người mới đi làm nên tận dụng khoản thời gian này để xem xét nghiêm túc vị trí của mình và những gì họ muốn đạt được trong sự nghiệp. "Biết cả điểm mạnh và điểm yếu là điều quan trọng để có được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Một trong những điểm tốt hiện nay là có rất nhiều tài nguyên trực tuyến hữu ích cho việc này", ông gợi ý.
Trong 6 tháng tới, Adecco dự báo 62% sinh viên mới ra trường sẽ tìm kiếm việc làm mới. Tin tốt là nhu cầu tuyển dụng trong thời gian này cũng rất đáng kể. Các vị trí đầu vào vẫn được tìm kiếm nhiều nhất (36,3%). Nhu cầu nhân sự cho các chương trình thực tập và tập sự cũng tăng lên đáng kể (đều 31,3%).
"Với những tín hiệu khả quan này, trong thời gian tới, thị trường lao động phân khúc này nhiều khả năng sẽ sôi động hơn sau những tháng chững lại", báo cáo của công ty nhận xét.