Aristotle từng nói: "Những người có thể chịu đựng sự cô đơn trong thời gian dài không phải là dã thú mà là thần thánh." Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều vẫn luôn phải tiếp xúc và giao lưu với người khác. Vì là con người nên chúng ta vĩnh viễn tách rời giao tiếp xã hội.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler từng nói: "Tất cả những phiền não của nhân loại đều đến từ mối quan hệ giữa người với người." Quả đúng là như vậy. Khi đã lún quá sâu vào các mối quan hệ, nhiều người thường cảm thấy buồn chán và bất lực.
Người thông minh là người luôn biết cách hòa mình vào các mối quan hệ. Vì họ hiểu những mối quan hệ này không chỉ giúp ích cho công việc và cuộc sống mà còn mang đến cho họ những mối lương duyên đáng quý. Khi giao thiệp với người khác, bạn nhất định phải ghi nhớ những "quy tắc ngầm" sau đây.
Một là việc ghi nhớ tên của người khác ngay trong lần gặp mặt đầu tiên sẽ giúp bạn dễ dàng tạo dựng một mối quan hệ thân thiết hơn với đối phương
Việc ghi nhớ tên của người khác cũng giống như việc chúng ta đang đầu tư cho các mối quan hệ mà không cần tốn quá nhiều vốn. Cái tên chính là thứ sẽ giúp ta gắn bó với một con người lâu nhất. Vì nó không chỉ là biển hiệu của họ mà còn chất chứa cả những kỳ vọng mà cha mẹ đã gửi gắm cho họ. Cho nên mỗi người đều có độ nhạy cảm cực cao với chính cái tên của mình.
Trong tâm lý học có một khái niệm mang tên "hiệu ứng tiệc cocktail" hay còn gọi là sự chú ý có chọn lọc. "Hiệu ứng tiệc cocktail" là khả năng lọc tất cả những thông tin khác và chỉ tập trung vào điều mình quan tâm. Đây chính là khả năng thích ứng của hệ thống thính giác.
Dù đang ở giữa bữa tiệc ồn ào, bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng người khác gọi tên mình, ngay cả khi đó chỉ là một âm thanh rất nhỏ. Việc được gọi tên đối với một người mới quen không lâu sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng. Từ đó, đối phương cũng sẽ có thiện cảm hơn với bạn.
Hai là đừng kể chuyện nhà mình cho người khác nghe
Tục ngữ có câu: "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Cuộc sống của mỗi người khác nhau. Không ai có quyền được xen vào cuộc đời của người khác. Nhiều người có thói quen hay đi tìm bạn bè để kể lể mỗi khi gia đình xảy ra mâu thuẫn.
Tuy nhiên, than thở hay kể khổ đều không giải quyết được vấn đề. Ngược lại, nó còn có thể làm nảy sinh thêm nhiều khúc mắc mới khiến mâu thuẫn càng thêm nghiêm trọng. Tình cảm là chuyện riêng tư. Việc tiết lộ chuyện riêng tư với bên thứ ba là điều không nên làm.
Mối quan hệ không có ranh giới thì khó mà bền lâu. Người đem chuyện nhà nói hết ra cho người ngoài biết chính là người mang họa về cho gia đình. Do đó, ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất, chúng ta cũng cần phải biết giữ giới hạn. Hãy nhớ rằng tuyệt đối không đem chuyện nhà ra nói với người khác.
Ba là hãy bộc lộ cảm xúc thay vì chỉ trích khi bàn thảo về một vấn đề
Ngôn ngữ là một phương tiện để thể hiện cảm xúc của bản thân. Một lời nói có thể làm đôi bên ấm lòng, nhưng cũng có thể làm tổn thương cả ta lẫn người.
Đặc biệt khi bàn luận về một vấn đề nào đó, chúng ta thường dễ bị cảm xúc chi phối. Chúng ta có thói quen sử dụng nhiều từ ngữ nặng nề để chỉ trích người khác.
Tiến sỹ tâm lý học người Mỹ Marshall Luxemburg đã đề xuất một phương pháp giao tiếp hoàn toàn mới mang tên "giao tiếp không bạo lực". "Giao tiếp không bạo lực" nhấn mạnh vào việc giảm thiểu ngôn ngữ phê phán và hãy bộc lộ cảm xúc thay vì chỉ trích.
Vì những lời phê phán và chỉ trích chính là vũ khí sắc bén làm tổn thương mỗi người. Giao tiếp bạo lực vốn dĩ chỉ là cách giải tỏa cảm xúc nhất thời. Nhưng nó lại không giải quyết được bất cứ điều gì. Ngược lại, nó còn cho khiến xung đột leo thang và tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực cho cả hai phía.
Khi đó, chúng ta sẽ quên mất rằng giao tiếp được sinh ra là để giải quyết vấn đề. Điều quan trọng nhất vẫn cứ là phải nói làm sao để cho đối phương nghe thấy nhu cầu thực sự đằng sau cảm xúc của bạn.
Cho nên thay vì nói "Sao anh lại làm như thế?", thì bạn hãy nói "Tôi rất buồn khi thấy anh làm như vậy."
Bày tỏ cảm xúc sẽ vừa dễ được chấp nhận, lại vừa dễ giải quyết được vấn đề hơn so với chỉ trích. Hãy nhớ đừng vội chỉ trích nhau! Việc bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của bản thân mới là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Bốn là lời khen chi tiết, nhân đôi hiệu quả
Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: "Trong con người, tầng bản chất sâu xa nhất chính là luôn mong muốn được người khác coi trọng."
Đã là con người, ai cũng thích được người khác khen ngợi và tán thưởng. Đây là nhu cầu tâm lý rất đỗi bình thường. Những lời khen có sức mạnh rất to lớn, vì việc được người khác công nhận và coi trọng có thể nâng cao cảm giác hạnh phúc của con người.
Khen ngợi sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và làm cho đôi bên xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, bạn cũng phải tự hỏi rằng mình có đang thực sự khen ngợi người khác hay không? Lời khen hay là lời khen làm người ta thấy ấm lòng.
Một số người có thói quen khen ngợi thái quá, không nói đúng trọng tâm, thậm chí còn làm đối phương không thấy thoải mái.
Chúng ta cần phải học cách nhìn nhận ưu điểm của người khác. Bên cạnh đó, việc khen ngợi từ những chi tiết nhỏ sẽ khiến đối phương cảm nhận được lời khen của bạn là một lời khen chân thành.
Thay vì nói "Bạn rất xinh", thì chúng ta có thể nói "Bạn có đôi mắt rất đẹp vừa to tròn mà lại rất có hồn". Những lời khen cụ thể rất chân thành sẽ làm đối phương luôn sẵn sàng tiếp nhận nó.
Năm là nhớ trả ơn cho người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn
Khi khó khăn mới biết ai là người thực lòng với mình, ai mới thực sự là bạn của ta. Người sẵn lòng giúp đỡ ta trong lúc hoạn nạn chính là những quý nhân hiếm có của chúng ta.
Chúng ta không chỉ nên nói lời cảm ơn chân tình với họ mà còn phải thể hiện bằng hành động thích hợp.
Hãy nhớ trả lại tiền người đã cho bạn vay khi bạn thu được một chút lợi tức. Hãy nhớ đến thăm người đã cho bạn cơ hội mỗi khi năm hết tết đến. Tục ngữ có câu: "Uống nước nhớ nguồn". Hãy luôn ghi nhớ mối ân tình của người đã đem ánh sáng đến cho ta trong những ngày tăm tối.
Sáu là đừng cố "an ủi" một người bạn đang khóc vì buồn
Khi bị ngã xuống, nhiều đứa trẻ thường đợi người lớn chạy tới dỗ dành rồi mới khóc òa lên. Khi buồn và bất lực đó chính là lúc chúng ta đau khổ nhất.
Lúc này, bạn lại nói với họ: "Đúng vậy, bạn thật đáng thương, bạn đã phải chịu nhiều ấm ức rồi ..." Đây chính là một kiểu an ủi sai lầm. Nó giống như một lời thừa nhận, khiến đối phương buồn bực rồi nhanh chóng tuôn ra sự bất mãn và bi thương giấu trong lòng. Do đó, sự ấm ức ban đầu sẽ được phóng đại lên vô số lần. Bạn càng "an ủi" thì đối phương càng đau. Bạn càng "an ủi" thì đối phương càng khóc. Qua đó, có thể nói lời "an ủi" sai thời điểm sẽ khiến nỗi bi thương càng nhân lên gấp bội.
Nếu bạn thực sự muốn bạn mình được nhẹ lòng, bạn cách phải học cách chuyển hướng sự chú ý. Hãy nở một nụ cười. Hãy tìm một số chủ đề hài hước mà người đó có hứng thú. Hãy sử dụng ngôn ngữ vui vẻ. Thậm chí, bạn còn có thể cho thêm những ngôn ngữ cơ thể gây cười hoặc được cường điệu hóa lên. Rồi những giọt nước mắt sẽ được hong khô để nụ cười lại nở trên môi.
Bảy là "Tự bộc lộ bản thân" có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ tin cậy sâu sắc với người khác
Lý thuyết về sự thâm nhập xã hội cho rằng:
"Các mối quan hệ xã hội chủ yếu có hai điểm chính sau đây: Một là chiều rộng của giao tiếp, tức là phạm vi của giao tiếp hoặc trao đổi. Hai là chiều sâu của giao tiếp, tức là mức độ thân mật."
Việc bộc lộ bản thân là nền tảng quan trọng để phát triển bất cứ mối quan hệ nào. Điều này vừa có thể mở rộng được chiều rộng của giao tiếp, vừa làm sâu sắc thêm chiều sâu của giao tiếp. Đây cũng là "chất keo" kết nối giữa người với người. Sự giao lưu qua lại giữa người với người vốn là một quá trình đi từ lạ đến thân, đi từ không hiểu đến thấu hiểu.
Tự bộc lộ bản thân là một loại tín hiệu rất tốt. Tôi bộc lộ bản thân mình với bạn, rồi tôi lại nói cho bạn nghe những điều tôi chưa từng nói với ai. Tôi mở rộng lòng mình để mời bạn bước vào một mối quan hệ sâu sắc với tôi. Khi đó, đối phương cũng sẽ cởi mở hơn với bạn và đôi bên cũng sẽ dễ dàng giao lưu và chia sẻ với nhau hơn.
Nhưng việc bộc lộ bản thân cũng phải có giới hạn nhất định. Hãy đi từng bước tùy theo tình trạng mối quan hệ giữa đôi bên. Chúng ta hãy chờ đợi những phản hồi tích cực, rồi mới tiếp tục tiến xa hơn nữa.
Ngoài ra, trong bất cứ mối quan hệ nào, việc tiết lộ toàn bộ gia cảnh được coi là bộc lộ quá mức. Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho mối quan hệ đôi bên.
Tám là khi có người đưa ra ý kiến khác với bạn, câu đầu tiên mà bạn nên nói là "Đừng nóng vội, ý kiến của tôi là ..."
Nhà triết học nổi tiếng Russell đã nói: "Hãy nhớ sự đa dạng là khởi nguồn của hạnh phúc."
Khi người khác đưa ra ý kiến không đồng nhất với quan điểm của bản thân, chúng ta không nên lập tức phủ nhận hay công kích quan điểm của họ. Vì nếu chúng ta chỉ chăm chăm tranh cao thấp thì thật là thô lỗ. Hãy nhớ việc thể hiện bản thân mới là điều quan trọng hơn. Trên thế giới này không chỉ có hai màu đen và trắng, mà còn có màu đỏ và màu xanh. Thế nên người ta mới nói thế giới sặc sỡ là như vậy.
Chúng ta nên tránh sử dụng các loại ngôn ngữ mỉa mai và xúc phạm cũng như học cách tôn trọng sự khác biệt và thấu hiểu sự bất đồng. Chỉ khi bạn dịu dàng, thì cả thế giới sẽ quay lại dịu dàng với bạn. Chỉ khi bạn tôn trọng ý kiến của người khác thì khi bạn bày tỏ ý kiến của mình thì bạn mới được người khác tôn trọng.
Chín là đưa ra giới hạn của bạn vào đúng thời điểm
Trong quá trình tiếp xúc với người khác, chúng ta ít nhiều sẽ gặp phải người nhờ mình giúp đỡ. Dù không muốn làm, nhưng chúng ta lại không dám từ chối. Ấy là vì sợ từ chối cũng đồng nghĩa với việc sẽ kết thúc mối quan hệ này. Và cũng sợ từ chối thì sẽ hạ thấp hình ảnh và uy tín của bản thân trong lòng đối phương. Cho nên chúng ta đã phản bội chính mình, bất chấp mọi nguyên tắc và giới hạn để nhận lời người khác.
Một mối quan hệ tốt đẹp là mối quan hệ có những giới hạn. Ở trong mối quan hệ này, hai bên sẽ không bao giờ tâng bốc hay cho đi một cách mù quáng.
Freud đã nói: "Trong bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta cũng nên dùng sự tức giận để bảo vệ ranh giới của bản thân."
Khi bạn có nguyên tắc, người khác cũng sẽ giữ chừng mực với bạn. Đừng trở thành một người luôn luôn tốt. Khi cần thiết, hãy cứ mạnh dạn vạch rõ giới hạn của bản thân. Ngoài lúc biết nói "được", thì bạn cũng nên có những lúc nói "không".
Việc giao lưu giữa người với người thực chất là cuộc cho đi và nhận lại của những tấm lòng. Nếu bạn mở lòng và bao dung, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ đối phương.
Chín quy tắc ngầm này chính là sự phát triển trên nền tảng nguyên lý "tôn trọng người khác, thấu hiểu bản thân, làm người khác toại nguyện cũng chính là đang cho mình được toại nguyện."
Không phụ tấm chân tình của người ta nhưng cũng không bao giờ làm trái lòng mình. Mong rằng từ nay, chúng ta sẽ luôn đối xử chân tình và nồng hậu với nhau.