Doanh nghiệp

Vietjet và Boeing chốt kế hoạch giao tàu bay

Trước đó, hợp đồng đặt mua 200 tàu bay của Vietjet với Boeing đã bị gián đoạn do liên quan tới tàu bay 737 Max và những tác động của Covid-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing. Theo đại diện Vietjet, hãng bay cũng chịu những thiệt hại không nhỏ khi dòng máy bay 737 Max không thể giao hàng đúng hạn. Trong khi nhiều hãng hàng không từ chối thực hiện hợp đồng thì Vietjet và Boeing kiên trì tìm tiếng nói chung, thống nhất tiếp tục triển khai thực hiện hợp đồng.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9, Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng giám đốc toàn cầu của Boeing - tiến sĩ Brendan Nelson thống nhất với những thoả thuận thương mại. Hai bên đồng thuận bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 tàu bay 737 Max trị giá 25 tỷ USD sẽ được giao trong 5 năm tới. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet trong năm 2024. Đây là những chiếc tàu bay có thiết kế tiện nghi, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Chủ tịch Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) và Tổng giám đốc toàn cầu của Boeing - ông Brendan Nelson (phải) chốt kế hoạch giao tàu bay nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 11/9. Ảnh: Tài Nguyên

Chủ tịch Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) và Tổng giám đốc toàn cầu của Boeing - ông Brendan Nelson (phải) chốt kế hoạch giao tàu bay nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 11/9. Ảnh: Tài Nguyên

Trong khuôn khổ sự kiện, Boeing và Vietjet thống nhất hợp tác xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không về đào tạo huấn luyện, sửa chữa bảo dưỡng cho Việt Nam và quốc tế.

Hai bên cũng phối hợp trong việc ứng dụng các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không, nhiên liệu xanh, giảm thiểu khí thải theo những tiêu chí hàng không bền vững. Song song là các hỗ trợ phát triển hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực vận hành sân bay, quản lý bay. Đồng thời Boeing thúc đẩy Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing về sản xuất tàu bay và các thiết bị hàng không.

Máy bay của Vietjet đang hoạt động. Ảnh: Tài Nguyên

Máy bay của Vietjet đang hoạt động. Ảnh: Tài Nguyên

Trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, hai lãnh đạo nêu dự định thúc đẩy hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng không, trong đó có việc đàm phán sửa đổi Hiệp định Vận tải Hàng không Việt Nam - Mỹ theo các nguyên tắc Bầu trời Mở.

Boeing và Vietjet từng đạt thỏa thuận với hợp đồng 100 tàu bay, trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016. Hai năm sau, số lượng tàu bay trong giao dịch tăng lên 200 chiếc.

Đơn đặt hàng tàu bay của Vietjet mang tới 200.000 việc làm, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại song phương và cũng là minh chứng cho hợp tác thành công giữa doanh nghiệp hai nước. Các kết quả đạt được không chỉ thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không và kinh tế Việt Nam mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả các tập đoàn lớn và các nhà đầu tư Mỹ.

Lãnh đạo Vietjet và Boeing ký kết ký biên bản hợp tác đầu tiên trước sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức đến Hoa Kỳ năm 2015

Chủ tịch Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) chụp ảnh cùng Tổng thống Obama vào năm 2016. Ảnh: Vietjet

Chủ tịch Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) chụp ảnh cùng Tổng thống Obama vào năm 2016. Ảnh: Vietjet

Hai bên đã đạt được những thỏa thuận thương mại với sự tham dự của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry. Tại Hội nghị cấp cao về đầu tư và đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Tổng thống Joe Biden đã có những đánh giá cao về các cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển lĩnh vực hàng không.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm