Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) đã có thông cáo báo chí về việc có nhiều bài viết đăng tải trên kênh thông tin đại chúng phản ánh Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) thông báo tạm ngừng xuất khẩu một số lô hàng chuối, mít, sầu riêng... sang Trung Quốc do phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.
Tuy nhiên, trong nhiều biết bài viết có sử dụng hình ảnh chuối của HAGL khiến cổ đông và các nhà đầu tư của công ty hoang mang.
Theo HAGL, các sản phẩm chuối và sầu riêng là các loại trái cây thuộc danh sách trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các sản phẩm này phải được thu hoạch từ những vùng trồng đã được cấp mã nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Theo đó, việc Cục Bảo vệ Thực vật gửi thông báo cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh có doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là để yêu cầu cơ quan chuyên ngành của các địa phương phải kiểm soát nghiêm ngặt các vùng trồng đã cấp mã nhằm bảo vệ hoạt động xuất khẩu.
“Tại thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu chuối của HAGL sang Trung Quốc vẫn đang diễn ra bình thường mà không có bất kỳ hạn chế hoặc vướng mắc gì. Ngoài ra, sầu riêng cũng đã thu hoạch xong mùa vụ đầu tiên nên không còn hàng để xuất khẩu”, HAGL viết trong thông báo.
Sầu riêng sẽ là mũi nhọn trong thời gian tới
Tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra vào cuối tháng 8, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL cho biết các hoạt động thí điểm trồng rau củ, nuôi “gà đi bộ” không có nhiều hiệu quả nên công ty sẽ ngưng các mảng này, chỉ tập trung vào ba trụ cột gồm heo, chuối và sầu riêng (“một con, hai cây”).
Hiện tại, HAGL có khoảng 7.000 ha chuối, 1.200 ha sầu riêng, 600.000 heo, 1.000 ha trái cây khác.
Theo ban lãnh đạo HAGL, việc trồng cây sầu riêng đã diễn ra vào năm 2018, tức 5 năm trước. Tuy nhiên, lúc đó tình hình tài chính gặp rất nhiều khó khăn nên không công khai việc trồng loại cây ăn trái này.
Ông Đức chia sẻ, giai đoạn 2018 ông phải làm quyết liệt lắm mới có vườn sầu riêng. Cây sầu riêng ban đầu được trồng trên diện tích chanh leo khai thác trước đó. Ông cũng giấu đi vì sợ bị nói thân mình (HAGL) đã lo không xong còn đi trồng sầu riêng, không khéo có thể ảnh hưởng làm cổ phiếu giảm.
Tuy nhiên, hiện tại, lãnh đạo HAGL có góc nhìn lạc quan về loại trái cây có mùi vị đặc biệt này. Khác với nông dân, HAGL có lợi thế về diện tích nên trồng thưa hơn (6x8m và dự kiến sẽ nâng lên 10x10m so với nông dân là 6x6m hay 7x7m). Công ty có góc nhìn xa hơn để cây có thể phát triển toàn diện (khối lượng cây có thể lên đến 0,6 - 1 tấn) cũng như thuận lợi sử dụng các phương tiện cơ giới khi thu hoạch sau này.
Về chủng loại, HAGL tập trung vào sầu riêng Thái monthong và khoảng 200 ha trồng loại cao cấp là musang king, khác so với khu vực miền Tây ưa chuộng loại Ri6. Một điểm khác biệt nữa là HAGL trồng tại Tây Nguyên và Campuchia, nên do khác biệt địa lý, công ty sẽ gần như “một mình một chợ” sau khi mùa vụ tại các khu vực phía Nam kết thúc.
Ông Đức đánh giá nguồn thu từ sầu riêng sẽ ổn định và tăng trưởng do nhu cầu luôn cao, lượng tiêu thụ trong nước và Trung Quốc vẫn rất tiềm năng. Lợi nhuận từ loại trái cây này sẽ là một trong những mũi nhọn trong giai đoạn nhiều năm tới của công ty, dự báo lợi nhuận năm 2024 có thể vượt cả chuối.
Về mảng chuối, HAGL cho biết vừa thành lập một công thương mại trái cây tại Trung Quốc. Theo ban lãnh đạo, trước đó, chuối của HAGL đã có nền tảng tại nước láng giềng. Việc thành lập công ty này nhằm mục đích sẽ phân phối ổn định vào siêu thị, khai thác thêm phần lợi nhuận, qua đó có doanh thu ổn định. Công ty cũng đang xây dựng thương hiệu “chuối siêu ngọt” (chín vàng), hiện đãsang Nhật.