Khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, đây là dự án công trình giao thông lớn, trọng điểm quốc gia đã được Bộ Chính trị thông qua tại Thông báo số 13-TB/TW ngày 16/4/2022. Bộ Chính trị chỉ đạo "Phấn đấu hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 trước năm 2027" trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Việc thông qua chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng Dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để sớm đưa vào vận hành sẽ giúp cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ách tắc đường vành đai 3, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương lân cận thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào sử dụng năm 2027; trong đó, dự án thành phần 3 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư với quy mô tổng chiều dài toàn tuyến 113,5km, qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, tổng mức đầu tư 55.052 tỷ đồng, thời gian thu phí 25 năm. "Để dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, cần xem xét kỹ lưỡng về các bài toán liên quan đến: Hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...", ông Nguyễn Quyết Chiến nhận định.
Đánh giá về những tác động của việc xây dựng "Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội", Tiến sỹ Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho rằng, việc đầu tư xây dựng Dự án có tác động lớn tới vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và toàn hệ thống giao thông quốc gia. Tuyến đường không những đóng vai trò liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị, khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, tăng cường khả năng liên kết, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh trong Vùng Thủ đô cũng như vùng động lực phía Bắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.
Tuyến đường Vành đai 4 giúp Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội, thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Đồng thời, góp phần phát triển mới một số khu vực như: Nam sông Hồng, phía Tây đường Vành đai 4; Bắc sông Hồng, huyện Mê Linh, sân bay Nội Bài, đô thị Sóc Sơn, Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và huyện Gia Lâm... Do đó, quá trình tư vấn cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến phát triển mạng lưới đường cao tốc, vai trò kết nối của tuyến cao tốc. Đồng thời, cần xem xét và nghiên cứu kỹ các phương án bảo đảm việc phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường một cách hiệu quả nhất, bảo đảm không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp...
Theo Tiến sỹ Phạm Văn Khánh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đánh giá tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng là nhiệm vụ rất cần thiết, đặc biệt là các dự án lớn như Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Phân tích các rủi ro chính của dự án, Tiến sỹ Phạm Văn Khánh cho rằng, việc quản lý thực hiện dự án là nội dung rộng và phức tạp; tuy nhiên, các phân tích còn hạn chế, chưa làm rõ được trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư. Mặt khác việc quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện dự án cần phải được xem xét, xây dựng chi tiết hơn vì đây là nội dung thường tồn tại trong các dự án giao thông lớn…
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về xã hội và môi trường; việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực nút giao; việc bố trí nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương; nghiên cứu, xem xét để giải quyết hợp lý đối với nút giao cắt giữa các đường cao tốc; giao cắt với các tuyến đường sắt; nút giao liên thông; kết nối hạ tầng khác và kết nối phục vụ dân sinh…