0h ngày 13/9 giờ Việt Nam, sự kiện Wonderlust sẽ được tổ chức tại trụ sở Apple Park ở California, dự kiến công bố các phiên bản iPhone 15. Tuy nhiên, từ vài tuần trước đó, các công ty sản xuất phụ kiện đã chuẩn bị một số mặt hàng, điển hình là ốp lưng, để sẵn sàng tung ra thị trường ngay khi smartphone mới trình làng.
Theo WSJ, đây là chiến lược rủi ro, "được ăn cả, ngã về không". Chỉ một số ít đối tác phụ kiện có cơ hội làm việc trực tiếp với Apple. Những công ty còn lại phải phỏng đoán hình dáng iPhone dựa trên nguồn nội bộ hay thậm chí tin đồn. Họ khắc phục sai số bằng cách dùng nguyên vật liệu có độ đàn hồi tốt, hoặc làm kích cỡ nút bấm, cổng cắm, lỗ cho cụm camera rộng hơn bình thường.
"Chúng tôi không biết thiết bị thực sự trông như thế nào cho đến khi Tim Cook, CEO Apple, giới thiệu trên sân khấu", Ruben Rodriguez, đại diện truyền thông của công ty ốp cường lực Casetify, nói.
Casetify không phải đối tác chính thức của Apple. Do đó một năm qua, công ty thực hiện nhiều thí nghiệm để tạo phiên bản phụ kiện được dự đoán là phù hợp nhất với iPhone mới. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, hàng trăm nghìn ốp lưng Casetify sẽ được tung ra thị trường chỉ một giờ sau khi Tim Cook kết thúc phát biểu.
Theo Rodriguez, 10 ngày tới (iPhone 15 dự kiến bán ra thị trường ngày 22/9), là giai đoạn quan trọng nhất trong năm với công ty. Nếu iPhone 15 có bất kỳ khác biệt nào so với dự kiến, kỹ sư của Casetify sẽ lập tức tinh chỉnh sản phẩm.
"Không có gì chắc chắn, đôi khi chúng tôi phải đổi khuôn mẫu ngay sau bài phát biểu của Cook", ông nói.
Dù Apple nỗ lực bảo vệ bí mật, thông tin về sản phẩm mới vẫn liên tục bị rò rỉ. Lý do là sức nóng của iPhone, iPad đang mở ra ngành kinh doanh tiền tỷ liên quan đến phát triển phụ kiện như ốp lưng, cáp sạc.
Mỗi năm, Apple trình làng một thế hệ iPhone và bán ra sau khi công bố khoảng 10 ngày. Thời gian này quá ngắn để giới kinh doanh phụ kiện kịp trở tay trong việc sản xuất ốp lưng vừa vặn kích thước mới. Họ cần nắm trước thông tin một cách chính xác vì chỉ cần sai lệch về số đo, vị trí để loa, giắc cắm, nút bấm... là toàn bộ lô hàng sản xuất "đón đầu" thành phế thải. Do đó, nhiều bên sẵn sàng trả khoản tiền lớn nhằm mua chuộc nguồn tin nội bộ để cung cấp bản vẽ, hình ảnh CAD, thậm chí dụ công nhân nhà máy chụp trộm sản phẩm, "cho mượn" khung iPhone trong thời gian ngắn.
Trên các kênh bán lẻ như Amazon và Walmart đang tràn ngập các bài rao về ốp lưng cho iPhone 15 với nhiều tùy chọn màu sắc, được mô tả về khả năng chống va đập và không thấm nước. Chúng được thiết kế dựa trên tin rò rỉ từ chuỗi cung ứng Apple. Các nhà sản xuất bên thứ ba phải mạo hiểm xây dựng kế hoạch kinh doanh theo nguồn tin đồn để không bị bỏ lại phía sau.
"Tôi không biết họ lấy thông tin ở đâu. Nhưng chúng tôi vẫn phải tin tưởng một cách vô điều kiện", Peter Dering, nhà sáng lập Peak Design - công ty phụ kiện điện thoại tại San Francisco, nói.
Dering cho biết 50% doanh thu hàng năm của công ty là nhờ sự kiện ra mắt iPhone và dịp Giáng sinh. Hiện công ty đã sản xuất sẵn 75.000 ốp lưng iPhone 15 chờ phân phối. Dering kỳ vọng tin tức rò rỉ sẽ vẫn chính xác như những năm trước.
"Nếu tính toán sai, chúng tôi sẽ mất 6-8 tuần để làm lại", Dering nói.
Năm 2020, Smartish, công ty phụ kiện tại Texas, từng phải đổi trả toàn bộ ốp lưng sản xuất sớm cho người dùng do thế hệ iPhone 12 bất ngờ được Apple thiết kế lại. Dù kịp thời khắc phục sự cố, Smartish vẫn bỏ lỡ cơ hội gặt hái lợi nhuận của năm 2020.
CEO June Lai của công ty phụ kiện Catalyst cho biết cô chọn phương pháp an toàn hơn so với đối thủ. Vào ngày iPhone bán ra, nhân viên công ty sẽ mua thiết bị tại cửa hàng và gửi tới nhà máy ở Trung Quốc để thử nghiệm. Sau khi đảm bảo vỏ chống nước hoạt động tốt, phụ kiện mới được phân phối ra thị trường. "Độ chính xác rất quan trọng", cô nói.
(theo WSJ)