Chiều 12-9, phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe và cho ý kiến về báo cáo dân nguyện tháng 8.
Trưởng ban Dân nguyện của QH Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.
Sau khi ông Bình trình bày xong, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định gợi ý một số vấn đề thảo luận và đặt vấn đề việc hồ Ka Pét ở Bình Thuận cũng được nhân dân quan tâm thì có đưa vào báo cáo này không. Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cũng đề cập đến các ý kiến khác của nhân dân, cử tri về các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản...
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cũng đặt vấn đề tương tự về ý kiến nhân dân đối với hồ Ka Pét.
Sau khi một số Ủy viên thường vụ QH nêu ý kiến về các vấn đề, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định đã mời ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH thông tin về vấn đề này.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn, vấn đề hồ Ka Pét ở Bình Thuận xuất phát từ một bài báo và sau đó là một số bài báo khác viết về việc triển khai hồ Pa Két theo Nghị quyết của QH. Trong các bài báo đó thì từ “phá rừng” được dùng liên tục ba lần, ảnh hưởng đến hình ảnh của QH, Chính phủ.
Theo ông Tuấn, ngay sau khi có bài báo đó, Thường trực Ủy ban đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để xác thực thông tin, có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận. Các trang mạng sau đó cũng đã xuất hiện các thông tin đúng hơn về dự án...
Ủy ban cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp hồ sơ cho các cơ quan hữu quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã nắm bắt, ghi nhận và cử một Phó Chủ nhiệm Ủy ban trả lời báo chí, truyền thông. Ủy ban cũng gửi công văn cho các cơ quan liên quan đề nghị báo cáo các nội dung có liên quan, tình hình triển khai Nghị quyết của QH về hồ Ka Pét.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Nguyễn Phương Tuấn thông tin về hồ Ka Pét. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Tuấn nhận định để xảy ra tình trạng trên là do các cơ quan báo chí truyền thông đưa tin chưa thực sự sát sao. Ví dụ, cây cổ thụ không nằm trong dự án, bình luận về rừng không đúng với hiện trạng, gây tâm lý bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, chức năng của cơ quan có liên quan.
“... Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giám sát dự án hàng năm. Trước mắt sẽ theo dõi sát thông tin và triển khai một số việc cụ thể” - ông Tuấn nói.
Theo đó, ngoài việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Thuận triển khai nghiêm dự án tích nước ở hồ Ka Pét, Ủy ban còn đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án nếu có.
“Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì tờ báo đăng đã sửa, ghi là “khai thác” chứ không phải phá 600 héc-rừng” - ông Tuấn nói và giải thích vấn đề này xảy ra vào đầu tháng 9 nên có thể đưa vào phần các vấn đề chung. Bởi hiện nay, theo ông Tuấn, cũng chưa có đơn thư gì của người dân gửi đến QH cả.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình sau đó cho hay cử tri và nhân dân tỉnh Bình Thuận rất đồng tình với dự án hồ Ka Pét.
“Sau khi tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thì tất cả các thông tin trên báo chí đã được đính chính theo hướng ủng hộ chủ trương tỉnh và QH đã quyết định” - ông Bình nói và giải thích thêm về việc vì sao không đưa việc này vào báo cáo dân nguyện tháng 8.
“Chúng tôi không muốn tạo thêm một bức xúc nữa, ý là vậy thôi” - Trưởng ban Dân nguyện nói.
Khiếu kiện ở Trung ương vẫn phức tạp Nội dung của báo cáo, theo thông lệ, ghi nhận những điều nhân dân “vui mừng, tin tưởng, phấn khởi” và những điều nhân dân “băn khoăn, lo lắng”. Bên cạnh đó là các vấn đề về kết quả giải quyết, trả lời hơn 1.500 kiến nghị của cử tri. Báo cáo dân nguyện nêu có 232 kiến nghị quá hạn trả lời gần tháng tháng và Ban Dân nguyện đã ban hành công văn đôn đốc các bộ, ngành trả lời. Vẫn như báo cáo dân nguyện tháng 7, báo cáo tháng 8 ghi nhận tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các công dân khiếu kiện từ các địa phương vẫn tập trung về Trung ương, nhất là các đoàn khiếu kiện đông công dân, phức tạp, kéo dài ở các tỉnh, TP như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Giang, Đắk Lắk, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc”... |