UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND, triển khai thực hiện Kết luận số 1269-TB/TU ngày 2-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của một số sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
TP Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành đánh giá hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy bên trong các sở, ban, ngành để bố trí, sắp xếp theo khối lượng công việc được giao, đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tên gọi từng chi cục, phòng chuyên môn, đơn vị.
Trong đó, tại Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), kế hoạch của Hà Nội nêu: "Kiện toàn, đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa thành Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện".
Việc đề xuất đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa của Sở VH-TT Hà Nội đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng việc đổi tên này cần phải rà soát, đánh giá, lấy ý kiến rất kỹ từ các bên nếu không sẽ dẫn đến đơn thư, khiếu kiện phức tạp. Trước khi trình đề án, Sở VH-TT Hà Nội phải lấy ý kiến các phòng, đơn vị liên quan trong sở; trong sở phải thống nhất, sau đó trình Ban Giám đốc, Đảng uỷ sở rồi mới thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, tên "Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện" nghe hơi dài và không bao trùm bằng tên "Phòng Quản lý Văn hoá". "Sở Văn hoá và Thể thao đương nhiên phải có Phòng Quản lý Văn hoá. Tên Quản lý Văn hoá là đã bao trùm hết các lĩnh vực về văn hoá. Nếu thành phố cho chủ trương thành lập phòng mới về Công nghiệp Văn hoá thì nên nghiên cứu, đánh giá kỹ rồi đề xuất. Vấn đề đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa thành Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ trước khi quyết định chính thức, không vội vàng" - ĐBQH Trương Xuân Cừ nêu.
Bất ngờ với đề xuất đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa thành Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) khẳng định không nên đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa. Lý giải về việc này, Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng Phòng Quản lý Văn hóa ở hầu hết các địa phương đều đã có từ lâu, đã gắn với tiềm thức, thói quen của người dân cũng như trong các tổ chức.
Đại biểu Hoà cho rằng công nghiệp văn hoá hay tổ chức lễ, tổ chức sự kiện chỉ là những nhiệm vụ trong tổng thể về quản lý văn hoá. Quản lý Văn hóa là chức năng, cái tên này đã bao trùm, bao quát được hết. Nếu cần thiết thì chỉ nên bổ sung nhiệm vụ về công nghiệp văn hoá, tổ chức lễ, tổ chức sự kiện vào Phòng Quản lý Văn hóa hoặc phòng nào đó phù hợp chứ không nên nâng lên thành một phòng riêng.
"Tôi không hiểu ai lại đề xuất ý tưởng này. Cái tên Phòng Quản lý Văn hóa là gọn gàng, dễ hiểu, nhắc đến thì ai cũng biết là quản lý văn hoá; còn cái tên Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện thì quá dài, rối rắm. Theo tôi, Hà Nội không nên đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa thành Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện. Nếu cần thiết thì chỉ nên bổ sung thêm nhiệm vụ vào các phòng, tránh bộ máy phình ra, thực hiện đúng chủ trương của Trung ương là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc" - Đại biểu Hoà nêu ý kiến.
Được biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao 2 Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng và tổ phó của tổ công tác về vấn đề này. Trao đổi với Báo Người Lao Động, một thành viên trong tổ công tác cho biết nhiều sở, đơn vị đã đề xuất thành lập các phòng mới hoặc sáp nhập một số phòng ban; tới đây tổ công tác sẽ làm việc cụ thể với từng đơn vị.
Một lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho biết các bên liên quan sẽ làm việc về vấn đề này trong thời gian tới, nếu thành phố thông qua việc đổi tên Phòng Quản lý Văn hóa thành Phòng Công nghiệp Văn hoá - Tổ chức lễ và Sự kiện, sở sẽ rà soát, sắp xếp lại các phòng trong sở.