Thời sự

Chưa biết Fed tăng hay giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối năm, NHNN vẫn phải chờ động thái tiếp theo để ra quyết định

Tuần qua chứng kiến sự biến động lớn của USD khi chỉ số DXY vượt mốc 105 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 3/2023 và là tuần tăng thứ ba liên tiếp của USD.

Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán VNDirect, đà tăng của USD do lo ngại khả năng Fed có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao trong bối cảnh chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách.

USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng lên mức 24.073 tại ngày 5/9/2023 (tăng 1,6% so với cuối tháng 7/2023 và tăng 1,9% so với đầu năm). 

Đồng thời, USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, bao gồm Thái Lan (tăng 2,5% so với đầu năm), Trung Quốc (tăng 5,5% so với đầu năm) và Malaysia (tăng 5,9% so với đầu năm).   

Hôm qua 11/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lần đầu tiên trong lịch sử phải nâng tỷ giá trung tâm lên trên 24.000 VND/USD.    

 Tuần trước, chỉ số DXY vượt mốc 105 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 3/2023. (Nguồn: TradingView).

 

 Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và tỷ giá USD tại NHTM. (Nguồn: WiChart).

Fed vẫn để ngỏ khả năng về việc tiếp tục tăng thêm lãi suất

Trong 12 cuộc họp gần nhất, Fed đã tăng lãi suất 11 lần, lần gần nhất vào tháng 7. Hiện tại, lãi suất của Fed đang nằm trong phạm vi 5,25-5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm.

Theo Wall Street Journal (WSJ), các nhà hoạch định chính sách có vẻ đang nhất trí sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp hai ngày 19-20/9 để có thêm thời gian quan sát nền kinh tế.

Cuộc tranh luận lớn hơn là điều gì sẽ thúc đẩy Fed tăng lãi suất trở lại vào tháng 11 hoặc tháng 12. Hồi tháng 6, hầu hết các quan chức đều dự đoán Fed cần tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong năm nay. Nhưng liệu Fed có thực sự làm vậy không vẫn là câu hỏi ngỏ.

 

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, NHNN đã giảm lãi suất 4 lần từ đầu năm đến nay, thị trường hiện kỳ vọng sẽ còn một lần giảm lãi suất nữa.

Tuy nhiên, theo giới phân tích chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đang tiếp tục thu hẹp do Fed vẫn tăng lãi suất trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Cùng với việc lạm phát đang tăng trở lại, hai áp lực này nếu càng lớn sẽ càng thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo nhận định của ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên vẫn cần phải xem xét động thái tiếp theo của Fed để đưa ra quyết định phù hợp. 

Hiện thị trường nghiêng về dự báo Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này, tuy nhiên rất khó đoán định động thái của Fed trong hai cuộc họp vào tháng 11 và 12 cuối năm do Fed có quan điểm các quyết định lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế ở thời điểm đó. Nghĩa là Fed vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa. 

Ông Tánh cho rằng NHNN sẽ cẩn trọng hơn và sẽ chỉ đưa ra quyết định sau các cuộc họp của Fed. Đồng thời ông lưu ý vấn đề tỷ giá khi Fed chưa có dấu hiệu cắt giảm lãi suất, trong khi các chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN tiếp tục duy trì sẽ khiến VND chịu áp lực mất giá. 

Hai yếu tố khiến NHNN chưa cần phải hạ lãi suất trong quý III

NHNN cũng có thể sẽ không hạ tiếp lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh liên tiếp có những cảnh báo rủi ro khi Việt Nam đi ngược chiều với chính sách tiền tệ của Fed.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đề cập đến hai yếu tố khiến NHNN chưa cần phải hạ lãi suất thêm lần nữa trong quý III.

Thứ nhất, lãi suất huy động đã giảm mạnh trong tháng 8.

"Trong tháng 8, lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 30-50 điểm cơ bản, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 50-100 điểm cơ bản. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tuỳ kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN. 

Nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới", các chuyên gia tại đây cho hay. 

 

Yếu tố thứ hai là nguy cơ lạm phát tăng trở lại những tháng cuối năm. Trong trường hợp giá dầu thô vượt ngưỡng 90 USD/thùng hoặc tăng mạnh lên 100 USD/thùng, lạm phát trong nước tăng cao hơn dự báo.

Trong khi đó, áp lực lạm phát giá lương thực đã lan tới Việt Nam, vốn là một quốc gia có nguồn cung ứng gạo dồi dào. Nhu cầu tích trữ gạo tăng cao trên thế giới đã kéo giá gạo xuất khẩu và giá trong nước tăng mạnh.

Giá lương thực mặc dù chỉ chiếm chưa đến 4% trong rổ CPI, tuy nhiên, việc tăng giá gạo sẽ kéo theo đà tăng của chỉ số giá lương thực – thực phẩm (chiếm 33,6% cơ cấu tính CPI).

Nói thêm về nguyên nhân tăng giá của giá dầu và giá gạo, VDSC cho hay các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá gần đây là đến từ nguồn cung.

Trên thị trường dầu thô, việc gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ và Nga là lực đẩy trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc liên tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm bất chấp quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Thị trường gạo và lương thực nói chung được dẫn dắt bởi kỳ vọng về tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen.

VDSC nhận định các yếu tố này sẽ khó có chuyển biến trong ngắn hạn và theo đó dẫn đến nhiều khả năng tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu và lạm phát tại Việt Nam trong quý cuối năm. 

Trong khi đó, Chứng khoán Maybank (MBKE) dự báo NHNN vẫn sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm. Việc cắt giảm lãi suất huy động nhằm mục đích giảm chi phí vốn của các ngân hàng để lãi suất cho vay có thể giảm bớt hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Nhưng MBKE cho rằng có nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách thay vì cắt giảm thêm, do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.  

Trước đó, nhiều chuyên gia cảnh báo chính sách tiền tệ đã đến giới hạn, không nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành. 

"Việt Nam cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn, nếu tiếp tục hạ trần lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói, đồng thời nhấn mạnh tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập và cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%.

Còn theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, "có thể nới lỏng chính sách nhưng không để đồng tiền quá dễ dãi".

"Lãi suất quá cao, doanh nghiệp không thể vay mượn để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên lãi suất không phải 'liều thuốc vạn năng' giúp giải bài toán hấp thụ vốn. Chúng ta cần khắc phục nền kinh tế tổng thể, cùng với yếu tố bên ngoài thuận lợi  để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối thị trường, tăng cơ hội kinh doanh. Chúng ta nới, nhưng không quá buông lỏng, không nên để đồng tiền quá dễ dãi", ông nói.     

Cùng chuyên mục

Đọc thêm