Tài chính

Vietcombank, VietinBank và BIDV cấp khoản tín dụng lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng

Số vốn tài trợ này tương ứng 45% tổng mức đầu tư của dự án. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối tham gia tài trợ 1 tỷ USD, cùng các ngân hàng hợp vốn (NHHV) là VietinBank tài trợ 450 triệu USD, BIDV tài trợ 350 triệu USD.

Đây là dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất trong ngành ngân hàng và cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn USD trung dài hạn từ các NHTM Việt Nam mà cụ thể là các NHTM Nhà nước với điều kiện cạnh tranh hơn so với phương án chủ đầu tư ACV vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính quốc tế.

Khoản vay hợp vốn trị giá 1,8 tỷ USD cho một dự án lớn không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững trong thời gian tới mà còn thể hiện vị thế và sự lớn mạnh của các NHTM Việt Nam khi thu xếp vốn cho các dự án phức tạp, quy mô lớn.

Vietcombank, VietinBank và BIDV cấp khoản tín dụng lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng- Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo ACV cùng đại diện lãnh đạo các ngân hàng hợp vốn (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) thực hiện nghi thức ký kết hợp đồng cấp tín dụng

Trước đó, ngày 01/03/2022, chủ đầu tư dự án là ACV đã chính thức giao Vietcombank là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Dự án Thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc "Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành – Giai đoạn 1". Theo đó, Vietcombank cùng các NHHV đã tiến hành thành lập Tổ thẩm định chung, hoàn thành Báo cáo Thẩm định chung và nhanh chóng hoàn thành trình cấp thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng cho dự án. Đồng thời, Vietcombank là ngân hàng đầu mối báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thống nhất các nội dung trình phê duyệt cho vay ngoại tệ trung dài hạn đối với ACV.

Cuối tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấp nhận cho phép ba Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV cho ACV vay bằng ngoại tệ trung dài hạn để thực hiện dự án.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan toả tới tổng thể kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm