Doanh nghiệp

Viettel - từ "lính mới" đến ông lớn ngành viễn thông

Hơn ba thập kỷ trước, năm 1993, sóng di động mới phủ ở bốn đô thị là Hà Nội, TP HCM, Biên Hòa và Vũng Tàu. Chỉ hai công ty cung cấp dịch vụ. Giá cước di động trả sau là 8.000 đồng một phút, chưa kể phí thuê bao hàng tháng vào khoảng hơn 200.000 đồng. Ở thời điểm đó và thậm chí ngay hiện tại, mức giá này vẫn được xem là "trên trời". Chỉ 4% dân số Việt Nam đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ di động đầu những năm 2000.

Thế nhưng sau hơn hai thập kỷ, giá cước di động ở Việt Nam chỉ còn trung bình 0,05 USD mỗi phút.

Tìm hướng đi trong khó khăn

Nhớ lại thời kỳ giá cước viễn thông cao, bà Phạm Chi Lan, người từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng quyết định đúng đắn của Chính phủ là cho Viettel ra đời và tham gia vào các hoạt động viễn thông dân sự. Người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. "Viettel ra đời, ấn tượng đầu tiên của tôi là làm giảm chi phí viễn thông và tăng thêm khả năng cung cấp", bà Lan nói.

Năm 2000. Viettel cho ra đời VoIP 178, ứng dụng OTT đầu tiên ở Việt Nam cho phép gọi điện đường dài với giá rẻ chưa từng có thời điểm đó. Ứng dụng này đem lại cho doanh nghiệp số vốn khoảng 10 triệu USD để bước chân vào thị trường di động.

Thế nhưng, phát triển hạ tầng cho di động đầu thế kỷ 21 là cuộc chơi tốn kém. Số tiền 10 triệu USD chỉ đủ mua và lắp đặt khoảng 150 trạm BTS. Để mạng di động đi vào vận hành, ở mỗi thành phố cần tối thiểu 50 trạm, với mật độ dân số khi đó. Chưa có tài sản gì trong tay, Viettel không thể vay ngân hàng hàng trăm triệu USD. Tuy đã có giấy phép kinh doanh, nhưng dự án bước vào ngành di động của Viettel đứng trước nguy cơ chết yểu vì cạn tiền.

"Vấn đề khi đó là không có tiền, cũng không có tài sản đảm bảo để đi vay", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, khi đó là Phó giám đốc Viettel, kể lại.

Trong một chuyến công tác Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm, ông Hùng tìm được lời khuyên mang tính bước ngoặt từ bà Yingluck Shinawatra, Chủ tịch Tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan AIS. Bà Yingluck cho biết, thị trường thiết bị viễn thông 2G khi đó gặp khủng hoảng thừa vì tốc độ phát triển đã chững lại, không còn nhiều công ty viễn thông muốn mua thiết bị.

"Bà ấy nói đùa rằng bây giờ đi xin người ta cũng cho", ông Hùng kể lại và cho biết nhà sản xuất khi đó thiếu người mua nên chỉ cần duy trì thanh khoản. Nhiều đơn vị chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc bằng không. Viettel nghĩ ra cách thuyết phục các nhà sản xuất cho mua trả chậm.

Sau cuộc gặp, ông Hùng gọi về nước, xin ý kiến Giám đốc Viettel khi đó, Trung tướng Hoàng Anh Xuân để xuất mua 5.000 trạm BTS trả chậm. Ông Xuân gật đầu đồng ý. "Quyết định đưa ra rất nhanh. Chúng tôi biết rằng Việt Nam mới có 4% người dân sử dụng điện thoại di động. Khi đầu tư độ phủ lớn, chi phí cho người dùng cũng giảm hàng nghìn lần và tin chắc sẽ kinh doanh thành công", ông Hùng nói.

Chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị"

Trước khi Viettel bước vào thị trường di động, các công ty khác đã chiếm lĩnh 95% thị phần các đô thị, thành phố lớn. Lính mới Viettel đã chọn chiến lược giành thị phần là "lấy nông thôn bao vây thành thị". Chiến lược này có nghĩa là phủ sóng di động ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất, dù là hải đảo, đất liền, cao nguyên hay miền ngược.

Nhưng mọi thứ không dễ dàng như Viettel nghĩ. Ban đầu, doanh nghiệp thuê thiết kế trạm với kinh phí 1 triệu USD cho 150 trạm BTS. Con số tương đương 7.000 USD cho mỗi trạm. Tốc độ thiết kế là 2 tuần mỗi trạm. Như vậy, Viettel sẽ mất hàng chục năm và hàng trăm triệu USd mới thiết lập được mạng lưới di động đáp ứng quy mô toàn quốc.

Trong một chuyến công tác Indonesia, lãnh đạo Viettel gặp Giám đốc kỹ thuật của Công ty viễn thông Extrenco. Sau khi nghe chia sẻ băn khoăn của đơn vị về thiết kế trạm BTS, chuyên gia này gợi chia ô mỗi trạm cách nhau khoảng 500-800 m theo hình mắt lưới. Các khu vực nhiều người dùng thì lắp thêm trạm, cách nhau từ 200-400 m, vì bản chất của mỗi trạm là phát sóng đáp ứng một dung lượng sử dụng nhất định.

Kỹ sư Viettel lắp đặt, bảo trì trạm BTS. Ảnh: Viettel

Kỹ sư Viettel lắp đặt, bảo trì trạm BTS. Ảnh: Viettel

Từ tư vấn ban đầu này, việc đặt vị trí hàng nghìn trạm BTS được hoàn thành chỉ trong một ngày. "Lính mới" trong ngành viễn thông đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới phủ khắp vùng miền trong thời gian ngắn, đem sóng di động đến mọi người. Giá thành dịch vụ giảm hàng trăm lần.

"Quá trình liên tục dấn thân đã tạo cho Viettel một niềm tin rất lớn rằng tự mình có thể làm chủ được trong ngành viễn thông. Tự làm chủ giúp chúng ta tự tin, kích thích lòng tự tôn dân tộc, từ đó nảy ra vô số sáng kiến, cải tiến", ông Hoàng Anh Xuân nói.

Phổ cập viễn thông ở Việt Nam

Chỉ sau chưa đầy một năm khai trương mạng di động với đầu số 098, Viettel đã đạt mốc một triệu thuê bao. Đây là con số các nhà mạng đi trước phải mất hơn 10 năm mới đạt được. 3 năm sau, Viettel trở thành công ty chiếm thị phần viễn thông lớn nhất. Dịch vụ di động không còn là của riêng người giàu mà trở nên bình dân. Mọi người Việt Nam đều có thể sử dụng được.

"Toàn dân đều hưởng lợi", nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại thời điểm Viettel ra mắt dịch vụ viễn thông, kể lại. "Sau khi tham gia kinh doanh viễn thông, Viettel là công ty phát triển nhanh nhất, thành công lớn nhất, giúp giảm giá thành của dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà".

Sóng di động Viettel phủ đến cả vùng hải đảo, biên giới. Ảnh: Viettel

Sóng di động Viettel phủ đến cả vùng hải đảo, biên giới. Ảnh: Viettel

Tiếp nối thành công ở thế hệ di động đầu tiên của Việt Nam, Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong về chất lượng và vùng phủ ở các thế hệ 3G, 4G. Đơn vị giành được "băng tần vàng" đem lại vùng phủ tốt nhất cho 5G trong giai đoạn triển khai sắp tới. Theo đánh giá của Umlaut năm 2023, Viettel tiếp tục là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam và nằm trong top 40 thế giới. Đến nay, Viettel đã phủ sóng đến 97% dân số Việt Nam, 99% quận huyện, 6.300 xã trên toàn quốc, trong đó có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm