Tài chính

Bộ Tài chính: Số người nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
  • 0.5
  • 0.75
  • Chuẩn
  • 1.25
  • 1.5
Nữ miền Bắc
Giọng đọc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Bắc

Mới đây, chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP HCM đề nghị Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó, chủ tịch một công ty trong lĩnh vực hóa chất bị cấm xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 997.000 đồng.

Hồi tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.

Báo cáo thường kỳ tháng 5 của Bộ Tài chính phát đi ngày 1/6 cho biết những trường hợp này không phải cá biệt. Thực tế, số lượng người nộp thuế có khoản nợ tồn đọng dưới 1 triệu đồng là "rất lớn". Đa số trong đó là các khoản nợ kéo dài.

Theo Bộ Tài chính, tạm hoãn xuất cảnh là "một biện pháp cứng rắn" nhằm cảnh báo, nâng tính tuân thủ pháp luật của người dân, đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Nhà chức trách cho biết, với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế sẽ rà soát, đối chiếu, xác minh chính xác trước khi gửi thông báo tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế. Cơ quan này khuyến cáo người dân chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ trước khi xuất cảnh.

Xuất cảnh là việc một người qua khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam để ra nước ngoài. Cấm xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hạn chế quyền đi nước ngoài của một người theo văn bản hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhà chức trách không quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Thực tế, trước khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, với người nộp thuế nợ dưới 90 ngày, cán bộ thuế sẽ sử dụng các biện pháp như gọi điện, nhắn tin, gửi email, mời lên làm việc, ban hành thông báo nợ thuế... Còn với khoản nợ trên 90 ngày hoặc thuộc trường hợp phải cưỡng chế, áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ.

Đồng tình cấm xuất cảnh với người chậm nộp thuế là phù hợp quy định nhưng một số chuyên gia thuế cũng đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó với người nộp thuế hay chưa.

Tại thông cáo mới đây, Bộ Tài chính dẫn Luật Quản lý thuế cho biết, nếu quá hạn 30 ngày, cơ quan quản lý sẽ phải thông báo cho người nộp thuế biết số tiền còn nợ và số ngày chậm nộp. Người nộp thuế cũng được nộp dần tiền nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.

"Cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp và có phương án trả dần cho doanh nghiệp khó khăn", Bộ Tài chính cho hay.

Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm