Ngồi ngay ngắn trên ghế, Thư Hàn nói với người thợ muốn cạo trọc đầu. Thợ cắt tóc là một phụ nữ ngoài 40 tuổi bỗng nhìn chằm chằm vào cô: "Bạn nói đùa đó chứ?", nhưng cô gái cười nhẹ rồi lắc đầu. Mái tóc đen dài bắt đầu rơi xuống cùng sự chuyển động của tông đơ.
Năm phút sau, người thợ nhìn Thư Hàn trong gương vẫn tỏ vẻ bối rối, nói rằng bao nhiêu năm trong nghề, đây là lần đầu cạo trọc đầu cho một thiếu nữ khỏe mạnh.
Nửa năm trước, Chu Cảnh Nghi sống ở Quảng Đông cũng đến tiệm cắt tóc gần trường đại học hỏi về dịch vụ cạo đầu.
Ngay khi cô cất lời, nam giới ngồi trong quán đều quay lại nhìn với ánh mắt ái ngại. Thấy vẻ mặt của họ, Chu Cảnh Nghi nhận ra việc một cô gái chủ động cạo trọc đầu sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí cho là điên rồ.
Ý tưởng này đến với Chu Cảnh Nghi khi cô xem một bộ phim truyền hình, trong đó nữ sát thủ có mái tóc siêu ngắn. Đó là lần đầu tiên, cô gái 20 tuổi choáng ngợp trước sự mạnh mẽ, uy lực của một phụ nữ. Từ đó, cô mong muốn được cạo trọc đầu, dù chỉ một lần trong đời.
Việc Thư Hàn cạo trọc đầu lại có mục đích rõ ràng hơn. Cô gái Vũ Hán hy vọng sẽ thay đổi được định kiến "phụ nữ không được để tóc quá ngắn".
Lần đầu Thư Hàn nhận thức được điều này qua một bài viết trên mạng xã hội. Một nữ biên tập viên kể chuyện định chọn bìa cho một bài báo liên quan tới tính cách đa dạng của giới trẻ là ảnh một cô gái gần như cạo trọc. Đồng nghiệp nam phản đối, yêu cầu cô đổi sang bức ảnh khác "thẩm mỹ hơn", bởi cho rằng phụ nữ cạo trọc gây phản cảm và mất cảm tình.
Nữ biên tập viên này sau đó đã cạo trọc đầu mình với mục đích tìm hiểu tại sao hành động này lại bị nam giới ghét bỏ.
Khi đọc câu chuyện, Thư Hàn rất xúc động và muốn bản thân sẽ thay đổi được định kiến. Ngày hôm sau, cô đến tiệm cắt tóc và yêu cầu cạo trọc đầu.
Giống Thư Hàn, với chiếc đầu trọc, Chu Cảnh Nghi cảm thấy rất thoải mái bởi bản thân đã làm được điều mong muốn. Tuy vậy, ban đầu cô chưa quen với việc mất đi mái tóc dài. Chu vốn sống nội tâm, chưa từng mong muốn bản thân là trung tâm của sự chú ý mỗi khi ra ngoài. Bởi vậy từ hồi xuống tóc, đi đâu cô cũng trùm mũ.
Chu Cảnh Nghi cho rằng, sở dĩ cô làm vậy là vẫn bị ảnh hưởng từ quan điểm truyền thống của xã hội. Theo đó đàn ông luôn được kỳ vọng thể hiện sức mạnh, sự tự tin, độc lập trong khi phụ nữ được cho là yếu đuối, dịu dàng và sống phụ thuộc.
"Việc nữ giới cạo trọc đầu vì thế có thể bị coi là hành động khiêu khích và thách thức lẽ thường", Chu nói.
Sau khi xuống tóc, Chu gọi video về cho gia đình. Nhìn thấy kiểu đầu mới của cô, cả nhà tá hỏa. Bố mẹ phê phán con gái có tư tưởng lệch lạc đồng thời yêu cầu phải nuôi lại tóc. Trong khi anh trai giải thích, ở quê chỉ có hai lý do khiến phụ nữ cạo trọc đầu, một là ni cô, hai là người bệnh nặng. Từ đó, mỗi khi gọi điện video về nhà, Chu luôn mặc áo hoodie và đội mũ, chỉ để lộ nửa khuôn mặt.
Khi nhỏ, Phương Dao, 24 tuổi, quê ở Chiết Giang luôn được mẹ nuôi dạy theo phong cách tiểu thư đài các. Những câu nói cô phải nghe suốt tuổi thơ của mình là "Con gái không được chơi súng đồ chơi giống con trai"; "Con gái phải mặc váy, không thể suốt ngày mặc quần" hay "Không được ngồi dựa ghế với hai chân dang rộng như đàn ông". Những gì mẹ cô răn dạy chỉ với mục đích uốn nắn con gái phù hợp với mong đợi chung của xã hội.
Bởi vậy khi quyết định cạo trọc đầu vào tháng 3 năm 2024, Phương Dao cũng trông chờ vào phản ứng của mẹ. Người mẹ khi biết chuyện đã giận dữ hét lên: "Con điên rồi, có đứa con gái nào lại cắt tóc như vậy". Nói rồi bà khóc nức nở và lập tức gọi cho chồng, phẫn nộ về hành vi của con. Những ngày tiếp theo bà tuyệt thực.
Dù người mẹ phản ứng dữ dội nhưng Phương Dao không hề hối hận, cũng không chấp nhận yêu cầu "mua ngay một bộ tóc giả" của bà. Cô cho rằng bản thân không cạo đầu một cách bốc đồng mà đã trăn trở nhiều năm.
Khi là sinh viên, giống như nhiều bạn nữ khác, Phương Dao bắt đầu chú ý đến trang điểm và ăn mặc. Cô gái dành 4 tiếng mỗi ngày để học trực tuyến các lớp làm đẹp. Mỗi lần ra ngoài, dù lên giảng đường hay đi chơi, việc đầu tiên cô phải nghĩ là mặc trang phục nào, trang điểm ra sao để được khen ngợi. Mỗi tháng, Phương Dao cũng dành 700-800 tệ cho quần áo, mỹ phẩm và các phụ kiện khác.
Duy trì thời gian dài, rồi đến ngày cô gái 24 tuổi nhận thấy việc quá quan trọng hình thức không mang lại lợi ích đáng kể, ngược lại còn tạo ra đủ thứ rắc rối và bất tiện. Ví như khi mặc áo hở vai, cô luôn đề phòng bị lộ ngực hoặc chụp lén. Làm gì đi đâu cũng cố gắng không đổ mồ hôi để lớp trang điểm không bị phai. Rồi những đôi khuyên tai to bản, những đôi giày lênh khênh cũng khiến tai và chân cô đỏ bừng, thậm chí mưng mủ.
Một lần tình cờ Phương Dao biết tới khái niệm "Thói quen làm đẹp" và nhận ra việc bắt buộc phụ nữ phải đẹp như một kỷ luật của xã hội. Khái niệm này chỉ ra, mọi vẻ đẹp nếu chỉ để người khác đánh giá có thể bị coi là không cần thiết nếu chủ nhân không mong muốn. Phương Dao cũng tham gia một hội nhóm có tên "Những cô gái tóc ngắn" và thấy nhiều người đang chống lại kỷ luật này bằng cách cạo trọc đầu. Lúc này, cô như được giác ngộ.
Phương Dao cho rằng việc trở thành nô lệ cho sắc đẹp dường như là nghĩa vụ của phụ nữ. Họ luôn phải nỗ lực rất nhiều để chứng minh vẻ đẹp của mình. Giá trị của nữ giới vì thế chỉ nằm ở chỗ không được già đi, không thể tăng cân và phải giấu giếm những bộ phận không đạt tiêu chuẩn mà nam giới đã đặt ra.
Từ ngày cạo trọc đầu, Phương Dao cảm nhận các bạn nam trong lớp trở nên lịch sự với cô hơn. Người đưa thư vốn nóng tính đến nhà, sau khi mở cửa nhìn thấy mái tóc ngắn của cô gái, giọng điệu bỗng nhiên dịu lại.
"Khi bạn thoát khỏi bề ngoài nữ tính yếu đuối, mọi người có xu hướng tôn trọng bạn hơn. Dung mạo mới cũng nhắc nhở bạn phải có thái độ mạnh mẽ và tự tin để đối phó với thế giới bên ngoài", cô gái khẳng định.
Với Thư Hàn, sau khi cắt tóc, cô cũng thấy bản thân toát ra khí chất "không dễ bắt nạt". Phong cách ăn mặc của cô gái này cũng thay đổi rõ rệt, không còn mặc những bộ quần áo nữ tính như xưa mà theo đuổi phong cách unisex. Thư Hàn cho biết, việc cạo trọc đầu kết hợp với trang phục thoải mái mang lại cho cô cảm giác an toàn hơn nơi công cộng.
Đến khi trưởng thành, Chu Cảnh Nghi đếm không dưới 10 lần bị quấy rối tình dục từ bạn bè của bố mẹ, hàng xóm cho đến khách trên xe bus. Theo Chu, việc quấy rối đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ khi nam giới luôn là biểu trưng của sức mạnh, được quyền thống trị, còn phụ nữ lại yếu đuối, thụ động và chịu sự kiểm soát của đàn ông.
"Cũng chính từ tư duy này mà nữ giới khó đạt được quyền tự do cá nhân, sự độc lập và tự tin", Chu nói.
Cô gái này tin nếu phụ nữ xuất hiện bất cứ nơi đâu với mái tóc cạo trọc, dù có thể bị hiểu lầm là đàn ông thì vẫn ít có nguy cơ bị quấy rối hơn.