Doanh nghiệp

Đua gọi vốn làm xe điện, tái chế rác

Ôm mộng bán dòng pin rẻ và bền hơn pin Lithium-ion, Cenergy - startup nghiên cứu sản xuất dòng pin oxi hóa khử đang tìm kiếm 11,5 triệu USD trong 5 năm tới. Họ kỳ vọng nhận được trước 4 triệu USD năm nay để xây nhà máy.

Ắc quy dòng chảy (Redox Flow Battery) phổ biến nhất hiện nay là ắc quy dòng chảy oxy hóa khử. Theo công ty tư vấn Navigant, Lithium-ion và ắc quy dòng chảy sẽ là hai công nghệ pin quan trọng nhất trong 10-15 năm tới, phù hợp lưu trữ điện tầm trung 10-100MW.

Cenergy từng nhận được 38 tỷ đồng tài trợ vốn. Giờ đây, khi xu hướng điện hóa diễn ra mạnh trong nhiều ngành, họ muốn sớm nắm bắt cơ hội. "Nếu có thể xây được nhà máy, giá có thể cạnh tranh với pin Lithium-ion nhưng tuổi thọ của ắc quy dòng chảy có thể đến 25.000 chu kỳ, tức tương đương khoảng 25 năm, gấp 3 lần pin Lithium-ion", đại diện công ty nói.

Cũng tranh thủ xu hướng điện hóa, hãng xe điện 2 bánh nội địa Selex đang gọi 12 triệu USD để mở rộng. Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho hay đã có cam kết từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một số nhà đầu tư trong gói này nhưng muốn tìm thêm các đối tác mới cùng tham gia.

Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Selex Nguyễn Hữu Phước Nguyên tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư hôm 23/5. Ảnh: CFA Việt Nam

Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Selex Nguyễn Hữu Phước Nguyên tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư hôm 23/5. Ảnh: CFA Việt Nam

Không chỉ các startup lĩnh vực điện hóa, những ý tưởng khởi nghiệp dọn rác, tái chế rác hay sản xuất hàng hóa bền vững, thân thiện cũng thi nhau gọi vốn gần đây.

Grac, nhà cung cấp giải pháp số cho quản lý rác và tái chế tại Việt Nam đang kêu gọi đầu tư 500.000 USD để phủ sóng thị trường miền Bắc. Họ tự tin nếu có tiền sẽ phủ rộng khắp cả nước 3 năm tới. Hay LUPP!, liên doanh giữa UPP! UpCycling Plastic và Lagom biến túi nilon bẩn thành ván, cột, bó vỉa hè. Giám đốc dự án Hải Ngô đang tìm vốn để xây một nhà máy dạng thử nghiệm (pilot).

"Nhà máy dự kiến công suất 1.800 tấn mỗi năm với nguồn rác đầu vào giá rất cạnh tranh vì không ai mua cả. Chúng tôi nhận rác đầu vào có độ tạp và bẩn cao, cho ra thành phẩm rẻ và bền hơn các sản phẩm làm từ gỗ hoặc xi măng", chị nói.

Ở mảng vật liệu thân thiện, Babio đang tìm kiếm 16 triệu USD cho hai giai đoạn đến 2032 để mở rộng nhà máy sản xuất nhựa sinh học tự hủy từ tinh bột. Trong ngành thực phẩm, Emmay & Colleagues gọi 15 triệu USD để đầu tư nghiên cứu, xây nhà máy và tiếp thị. Họ sản xuất "thịt thực vật" bằng công nghệ lên men từ nấm để tạo ra protein. "Chúng tôi có thể nuôi trồng hàng trăm tấn đạm nấm chỉ trong 14 ngày so với những loại thịt thực vật làm từ hạt mất 30-45 ngày", Nhà sáng lập Phạm Hồng Vân nói.

Nhu cầu gọi vốn của các dự án bền vững, giảm phát thải đang tăng lên gần đây. Là một trong các bên hỗ trợ những startup này tìm kiếm nhà đầu tư, Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam cho hay chỉ riêng 11 dự án tham gia vào giai đoạn hai của họ đang tìm kiếm đầu tư tổng cộng 436 triệu USD.

Nhu cầu gọi vốn tăng do các dự án ngày càng nhìn thấy triển vọng lớn và khả thi của việc sớm tham gia vào nền kinh tế xanh, ví dụ như xe điện. Theo HSBC, Việt Nam đang có thị trường xe máy điện lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, ước bán được hơn 1,5 triệu xe mỗi năm vào 2030. "Chúng tôi dự đoán xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam", báo cáo mới đây của nhà băng nhận xét.

Selex xây dựng bước đi đầu tiên bằng cách dựa vào thị trường thương mại điện tử phát triển. Họ tung ra xe chở hàng 2 bánh có thể đổi pin tại khoảng 70 trạm ở TP HCM và Hà Nội trong 2 phút. Công ty đang là đối tác phương tiện với nhiều cấp độ khác nhau của Grab, Gojek, Lazada, ShopeeFood và Viettel Post.

Đại diện Babio trình bày nhu cầu gọi 16 triệu USD  tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư hôm 23/5. Ảnh: CFA Việt Nam

Đại diện Babio trình bày nhu cầu gọi 16 triệu USD tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư hôm 23/5. Ảnh: CFA Việt Nam

Không chỉ ở tầm nhìn triển vọng, một số đã có thị trường và cần thêm vốn để mở rộng quy mô, như Babio và Emmay. Phạm Hồng Vân của Emmay nói công ty đã có 35 loại sản phẩm (SKU), phân phối ở 1.400 điểm bán nội địa và đã xuất khẩu Australia, Hà Lan, Canada, Ấn Độ, UAE.

"Thế hệ protein kiểu mới giảm phát thải carbon so với thịt bò 100 lần và thị trường thịt thực vật được dự báo tăng trưởng 10% mỗi năm. Hiện giá bán của chúng tôi có thể thấp hơn 50% so với thịt thực vật nhập khẩu", bà Vân cho biết.

Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến các dự án xanh ở Việt Nam. Phát biểu tại sự kiện "CFA in-country" gần đây ở TP HCM, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM cho hay các dự án trong giai đoạn đầu của chương trình CFA đã nhận được sự theo dõi tích cực từ các nhà đầu tư. Một trong các lý do là "những cách thức thú vị và sáng tạo mà các doanh nghiệp Việt Nam đang mang lại cho hành tinh".

Ông Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc khu vực Đông Nam Á InfraCo Asia cho hay cộng đồng nhà đầu tư tác động ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam. "Sắp tới nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ ngày càng tăng", ông dự báo.

Đại diện CFA Việt Nam, ông Abhinav Goyal, hiện là Giám đốc dịch vụ tư vấn dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam khuyến nghị các startup bền vững khi gọi vốn cần chăm chút xây dựng câu chuyện thu hút, có điểm chạm với nhà đầu tư, bên cạnh yếu tố kỹ thuật và tài chính.

"Dự án cũng cần song hành với hướng phát triển của quốc gia, bởi các nhà đầu tư rất quan tâm đến khả năng mở rộng. Ngoài ra, dự án cần mang lại tác động đến con người và việc làm", ông khuyến nghị.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm