Tại đại hội cổ đông VIB ngày 16/03, Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, năm 2021, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp, mua nợ) của ngân hàng là 204.305 tỷ, tăng 19,1% so với 2020, đạt 90,9% so với kế hoạch 2021.
Trong đó, cho vay bán lẻ tiếp tục đạt tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 24%. Tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay bán lẻ đạt 178.000 tỷ đồng, chiếm 87% tổng dư nợ ngân hàng. Trong 5 năm chuyển đổi, tổng dư nợ tín dụng đã tăng từ 67.466 tỷ lên mức 204.305 tỷ, tăng gấp 3 lần. Trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 30%.
Theo ban lãnh đạo VIB chia sẻ, trong những năm tới, động lực tăng trưởng sẽ chủ yếu tập trung ở mảng bán lẻ. Ngân hàng có kế hoạch mở rộng cơ sở khách hàng từ 3,8 triệu vào cuối năm 2021 lên 10 triệu trong 5 năm tới. Được biết chỉ riêng năm 2021 VIB đã thêm 800 nghìn khách hàng.
Không đạt mục tiêu trong năm 2021 nhưng vì sao vẫn đưa ra chỉ tiêu cao cho 2022?
Trong khuôn khổ đại hội, một cổ đông đã có câu hỏi cho đoàn chủ tịch về cơ sở để ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 30% trong năm nay. Trong khi 2021 ngân hàng chỉ tăng trưởng được 19,1%, không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đại diện VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% và có lưu ý là phụ thuộc vào room mà Ngân hàng Nhà nước cấp. Tuy nhiên mức 30% được Ngân hàng đề ra là phù hợp với năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro cùng kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ cấp room tín dụng. Trên thực tế, VIB có thể thực hiện cao hơn mức này, vì trong quá khứ, đã có những năm VIB tăng trưởng đến 34%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước có mặt tại đại hội, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó GĐ chi nhánh NHNN tại TP.HCM sau đó cũng có chia sẻ về vấn đề tăng trưởng tín dụng của VIB. Theo ông Dũng, không phải chỉ mỗi VIB mà nhiều ngân hàng khác cũng không đạt được mục tiêu do vấn đề khách quan là đại dịch Covid-19. "Thực tế là VIB vẫn tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân toàn ngành và tăng trưởng cao so với năm trước. Việc chưa đạt kế hoạch ở các chỉ tiêu này không phải chỉ VIB mà các ngân hàng khác nữa. Trong bối cảnh đại dịch, toàn ngành đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Nhìn chung, NHNN ghi nhận VIB đã hoàn thành rất tốt" - ông Dũng nói.
Cho vay bất động sản của VIB hiện nay ra sao?
Cổ đông cũng hỏi thêm vấn đề danh mục cho vay và kế hoạch tài trợ của ngân hàng cho việc phát triển các dự án bất động sản.
Trả lời câu hỏi này Ông Đặng Văn Sơn, Thành viên HĐQT cho biết, danh mục cho vay của ngân hàng có 87% là cho vay khách hàng cá nhân, 10% cho vay khách hàng doanh nghiệp và 3% là cho vay các định chế tài chính. Trong đó, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm khoảng 48% danh mục cho vay khách hàng cá nhân. Đây cũng là sản phẩm VIB cho vay nhiều nhất.
Về cho vay dự án, VIB có cho vay để phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng là "hạn chế tối đa số lượng cho vay dự án và chủ yếu là cho vay người tiêu dùng".
Nếu có cho vay phát triển dự án bất động sản, VIB sẽ tiến hành ký các hợp đồng ba bên gồm khách hàng, nhà phát triển và ngân hàng. Trong đó, các khách hàng phải đảm bảo đủ điều kiện về mặt tài chính, pháp lý và các nhà phát triển phải thỏa hàng loạt các tiêu chí về cho vay của VIB. Ngân hàng sau đó sẽ tiến hành thẩm định các tài sản đảm bảo và đi đến quyết định cho vay.
Đối với việc định giá bất động sản, VIB không chỉ tự mình định giá mà còn tham chiếu các bên uy tín như Savill, VIB AMC, CBRE, Hoàng Quân. Tính đến nay, có trên 90% các bất động sản được VIB cho vay đều có qua định giá của bên thứ ba độc lập. Mức định giá thường được các tổ chức này đưa ra là khoảng 80% giá trị thị trường của tài sản, tương đồng với tỷ lệ cho vay tối đa của VIB.
"Ở những tài sản tốt nhất, chúng tôi cũng chỉ cho vay tối đa lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo", ông Sơn chia sẻ với các cổ đông.
Về quy trình quản lý rủi ro đối với danh mục cho vay bất động sản tại VIB, Ngân hàng đã xây dựng 3 cấp quản lý rủi ro cho danh mục lần lượt là thứ nhất phòng ngừa rủi ro, thứ hai phát hiện rủi ro, thứ ba thu hồi các khoản nợ có rủi ro một cách nhanh chóng nhất, đảm bảo hiệu quả cao trong hoạt động. Đồng thời, VIB cũng đã phối hợp với các tổ chức để xây dựng các mô hình quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
"Điểm tích cực của VIB là tổn thất sau khi phát sinh nợ xấu của sản phẩm cho vay nhà đất là bằng 0", ông Sơn khẳng định ngân hàng chưa từng mất vốn vì cho vay bất động sản.
Hiện tại VIB có chọn lọc rất kỹ và hợp tác với một số tập đoàn phát triển bất động sản như Phú Mỹ Hưng, Gamuda, Daewoo, ParkCity. Đồng thời lãnh đạo ngân hàng khẳng định "VIB không tài trợ các dự án tại Cần Giờ, Phú Quốc hay những dự án có tính chất rủi ro cao"
Trong những năm tới, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo trong hoạt động ngân hàng bán lẻ và vẫn sẽ được VIB tiếp tục quan tâm phát triển.