Từ 15/03, Việt Nam chính thức mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2022.
Cũng trong ngày 15/3, Cơ quan Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), Bộ Y Tế đã công bố chính sách, quy định dành cho khách quốc tế khi nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam. Nhìn chung, các chính sách mới này sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương và các doanh nghiệp đón khách quốc tế, phục hồi du lịch.
Thêm vào đó, theo dữ liệu phân tích từ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam tăng mạnh từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.
Còn theo dữ liệu tìm kiếm của Agoda, Singapore dẫn đầu danh sách quốc gia tìm kiếm thông tin về Việt Nam với mục đích du lịch trải nghiệm sự hiếu khách thân thiện, danh lam thắng cảnh cùng văn hóa ẩm thực đặc sắc. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa cho khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3 , Singapore sau đó một ngày cũng triển khai Làn đi lại vaccine (VTL) với Việt Nam, cho phép đi lại hai chiều không cách ly giữa hai quốc gia.
Mỹ được ghi nhận đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia sẽ du lịch đến Việt Nam. Vị trí thứ 3 được tiết lộ thuộc về Hàn Quốc – một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu ở Việt Nam và cũng là quê hương của cộng đồng người nước ngoài lớn nhất hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Họ mong muốn du lịch đến các thành phố biển mà họ đã từng đến, cũng như kết nối lại các mối quan hệ công việc trước đây.
Người Singapore đang dẫn đầu danh sách quốc gia tìm kiếm thông tin về Việt Nam. Ảnh: Visit Singapore
Ấn Độ và Malaysia cũng lọt vào top 5 quốc gia tìm kiếm địa điểm lưu trú tại Việt Nam. Top 10 quốc gia hàng đầu có lượt tìm kiếm về Việt Nam: Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Úc, Anh, Đức, Thái Lan và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
Ba thành phố lớn nhất của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và thành phố Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế cho kế hoạch du lịch đến đất nước có tốc độ phát triển "chóng mặt" của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo nhận định của Vietravel Airlines, những khó khăn đối với ngành hàng không vẫn chưa sớm kết thúc. Ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát; đồng thời kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.
Chính vì thế, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp kịp thời và nhanh chóng do Chính phủ đưa ra trước đó, Vietravel Airlines mong muốn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không như sau.
Đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không (không kể hãng Hàng không nhà nước hay tư nhân).
Cho đến thời điểm hiện tại, dòng tiền của ngành Hàng không đang bị cạn kiệt sau thời gian dài "ngủ đông". Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của Nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động,... Chính vì thế, Vietravel Airlines kiến nghị Chính phủ tung gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.
Xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0%.
Vietravel Airlines muốn Chính phủ hỗ trợ giảm giá dịch vụ ngành hàng không.
Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác. Hiện tại, giá nhiên liệu bay Jet-A1 có xu hướng tăng cao (hiện tại 94,5 USD/ thùng).
Vì vậy, để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua tình hình khó khăn do dịch bệnh kính đề nghị Bộ Tài chính, Bộ giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay). Đồng thời cũng điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/ lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.
Hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không
Đối với các khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, đề nghị hỗ trợ giảm 50% giá/phí cho đến hết năm 2022. Cụ thể đối với các dịch vụ sau: Dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi,… tại các cảng hàng không sân bay.
Đề nghị bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên
"Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ xem xét và phê duyệt những kiến nghị để có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại để ngành có thể dần hồi phục trong năm 2022. Vietravel Airlines cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành với Chính phủ", đại diện Vietravel Airlines kết luận.
Vừa qua, Vietravel Airlines cũng chính thức mở bán vé chặng từ Hà Nội đến hai thành phố lớn là Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại. Việc mở bán chặng bay mới Hà Nội - Đà Nẵng (HAN - DAD), Hà Nội - Quy Nhơn (HAN - UIH) nhằm kích cầu nhu cầu đi lại của hành khách trong giai đoạn đầu mở đường bay trở lại.
Trong giai đoạn "bình thường mới", Vietravel Airlines sẽ duy trì các đường bay hiện có với tần suất 1-2 chuyến/ngày, đồng thời đảm bảo tỷ lệ khai thác đúng giờ luôn đạt trên 97%. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường, hãng sẽ nâng tần suất của một số đường bay lên 3-4 chuyến/ngày.