Doanh nghiệp

Cuộc đua bành trướng chuỗi nhà thuốc

Vài ngày trước, tìm trên Internet cụm từ "nhà thuốc gần đây" khi con trai nổi mẩn ngứa, Thanh Huyền - nhân viên môi giới một công ty bất động sản - khá bất ngờ với hơn 40 kết quả hiện lên trong bán kính 3 km quanh phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức. Lúc mới chuyển đến đây đầu năm 2019, cô luôn phải vào các hiệu thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng, cách nhà 12 km mỗi lần cần mua thuốc theo toa bác sĩ.

Khoảng một phần tư trong số kết quả Huyền tìm thấy là Pharmacity, Long Châu và An Khang. Đây cũng là ba chuỗi nhà thuốc mới phát triển mạnh nhất trong quãng thời gian dịch bệnh. Có thời điểm, ngành dược đón thêm vài cửa hàng được mở mới mỗi ngày. Tốc độ này sắp tới còn cao hơn trong bối cảnh cuộc đua bành trướng, mở rộng độ phủ của 3 ông lớn này ngày càng tăng nhiệt.

Pharmacity năm ngoái mở đến 200 nhà thuốc, dẫn đầu thị trường về quy mô điểm bán khi vượt mốc 700. Sau khi cắm rễ tại TP HCM, chuỗi này vươn ra Hà Nội và đang dần bao phủ khắp cả nước. Hai tháng đầu năm nay, Pharmacity ra mắt khoảng 160 nhà thuốc, tương đương tốc độ mở mới bình quân ba cửa hàng một ngày. Đến giữa tháng 3, thương hiệu này đã có gần 950 nhà thuốc trên toàn quốc, nhiều nhất thị trường.

Không chịu kém cạnh, năm Covid thứ hai, Long Châu, chuỗi nhà thuốc thuộc FPT Retail, cũng có thêm 200 cở sở, nâng tổng quy mô hệ thống lên 400 cửa hàng. Tốc độ mở rộng thần tốc tiếp tục được duy trì khi Long Châu có thêm hơn 100 cửa hàng từ sau Tết Dương lịch. Đến ngày 15/3, đơn vị này này có 519 nhà thuốc tại hơn 50 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, đối thủ của FPT Retail - Thế Giới Di Động cũng từng nuôi tham vọng trở thành người đi đầu cuộc đua bán lẻ dược phẩm cách đây 4 năm sau khi mua lại Phúc An Khang, cùng với một loạt động thái như đổi tên thương hiệu, rầm rộ chiêu mộ dược sỹ rầm rộ... Dù vậy, doanh nghiệp này lại nhanh chóng giảm nhịp rót vốn để mở rộng quy mô bởi đánh giá khi đó lĩnh vực này không hẳn là miếng bánh béo bở.

Còn với bối cảnh thị trường nóng như hiện nay, cùng với áp lực tìm kiếm nguồn thu mới, Chủ tịch Thế Giới Di Động, Nguyễn Đức Tài chia sẻ với nhà đầu tư tại cuộc gặp gỡ tháng trước rằng "Đây là giai đoạn phù hợp để kiếm lời cho mô hình chuỗi nhà thuốc". Từ cuối năm ngoái, doanh nghiệp này cũng đã thông báo nâng tỷ lệ sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang lên 99,99%, đánh dấu giai đoạn tăng tốc và cạnh tranh thị phần.

Trở lại đường đua mở rộng quy mô muộn hơn 2 đối thủ, nhưng An Khang cũng đang bứt tốc quyết liệt. Cuối năm 2020, An Khang có 68 nhà thuốc thì đến năm ngoái tăng lên 178 và hiện tại là 208. Bốn tháng gần nhất chuỗi này mở gần 90 cửa hàng, tức mỗi tháng có thêm trên 20 cơ sở mới.

Ngoài 3 cái tên kể trên, thị trường gần đây cũng ghi nhận thêm nhiều cái tên khác như Phano Pharmacy, Nhà thuốc 7, Nhà thuốc Mười... với số cửa hàng tỷ lệ thuận với thời gian hoạt động

Nhà thuốc Long Châu và Pharmacity nằm ngay gần nhau tại một khu dân cư tại Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà thuốc Long Châu và Pharmacity nằm ngay gần nhau tại một khu dân cư tại Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Không chỉ đua bành trướng về quy mô, các doanh nghiệp cũng cạnh tranh quyết liệt để hiện diện tại những vị trí đắc địa, cũng như dần đi vào các khu dân cư. Cuối năm ngoái, một chủ nhà ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) gặp trục trặc và quyết định thanh lý trước hạn hợp đồng với Thế Giới Di Động thuê mặt bằng. Ngay lập tức, Long Châu nhảy vào thế chỗ, trả giá cao hơn 20%.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail từng chia sẻ, chiến lược mở cửa hàng của doanh nghiệp này là quan sát, chọn ra những khu vực họ chưa đặt cửa hàng trong khi đối thủ đã có mặt và có doanh thu tốt. Theo tính toán của bà, khoảng 60% khách hàng vẫn chọn mua thuốc gần nhà nên sau khi tăng trưởng thần tốc nhờ "cộng sinh" với các cửa hàng điện thoại FPTShop ở mặt tiền thì Long Châu đang dần dần đi vào các ngõ ngách. Năm nay, FPT Retail đặt mục tiêu mở thêm ít nhất 300 nhà thuốc Long Châu, để có 700-800 cơ sở vào cuối năm.

Còn Thế Giới Di Động, sau khi thử nghiệm chiến lược mở cửa hàng tương tự Long Châu – tức đặt hiệu thuốc cạnh một cửa hàng trong hệ sinh thái bán lẻ để tăng lưu lượng khách cho cả hai, giờ đây An Khang cũng lên kế hoạch giảm phụ thuộc bằng những cửa hàng độc lập len lỏi trong khu dân cư.

Tương tự, để đánh chiếm thị trường bán lẻ dược phẩm, Tổng giám đốc Pharmacity Chris Blank đặt mục tiêu phân nửa dân số Việt Nam sẽ tiếp cận được các nhà thuốc của chuỗi này trong vòng 10 phút lái xe. Điều này đồng nghĩa họ cần có 5.000 cửa hàng, gấp 6 lần con số hiện tại trong 3 năm tới. Một trong những cách làm của chuỗi này là ký hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản để đặt cửa hàng tại chung cư do những doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Song hành với việc mở nhà thuốc mới, trên thị trường tuyển dụng, các doanh nghiệp này cũng đều hứa hẹn mức lương dẫn đầu thị trường cho dược sĩ. Trước Tết Âm lịch, Long Châu thông báo mức thưởng cao nhất cho nhân viên là năm tháng lương, ngoài lương tháng 13 theo quy định. Hai tháng trước đó, chuỗi này thưởng nửa tháng lương cho tất cả nhân viên vì vượt kế hoạch kinh doanh trước thời hạn. Bình quân mỗi nhân sự cả năm nhận 15-18 tháng lương.

Sau thông tin này, Pharmacity ngay lập tức tuyên bố năm nay sẽ đứng đầu thị trường về chính sách phúc lợi cho dược sĩ. Công ty quyết định tăng lương, phụ cấp, hoa hồng từ tháng trước và thưởng cuối năm 1-12 tháng lương cơ bản. Công ty dự kiến tăng quy mô lên 35.000 nhân sự vào năm 2025 để đáp ứng cho tham vọng 5.000 nhà thuốc trên toàn.

An Khang cũng chi trả mức lương không thua kém bởi ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - xác định, "năng lực tư vấn của dược sĩ là yếu tố quyết định thành bại của nhà thuốc chứ không phải giá bán hay trải nghiệm mua sắm".

Nhà thuốc An Khang trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà thuốc An Khang trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng chung tham vọng lớn để đánh chiếm thị trường dược phẩm gần 8 tỷ USD, dự kiến tăng lên gấp đôi năm 2026 (theo dự báo của BMI Research), nhưng "quả ngọt" ban đầu của 3 ông lớn này lại rất khác nhau.

Bốn năm qua, Pharmacity vẫn "đốt tiền" liên tục. Số liệu công bố gần nhất vào năm 2020 cho thấy chuỗi này có doanh thu 1.900 tỷ đồng và lỗ ròng khoảng 420 t, tăng gấp rưỡi năm trước. Giai đoạn 2016-2018, chuỗi này lần lượt lỗ tăng dần đều 45 tỷ đồng, 65 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.

Chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường về số lượng điểm bán dường như không nao núng bởi khoản lỗ này nhờ sự hậu thuẫn của công ty mẹ và các quỹ đầu tư. Cách đây ba năm, Pharmacity được Mekong Capital rót vốn nhưng không tiết lộ số tiền. Sau đó một năm, chuỗi này huy động khoảng 730 tỷ đồng trong vòng Series C và tiếp đến công ty mẹ phát hành trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, sau khi lỗ 17 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào An Khang trong bốn năm qua, Thế Giới Di Động vẫn khẳng định sẽ nhanh chóng có lãi bởi triển vọng tăng trưởng rất lạc quan.

"Mỗi cửa hàng đang có doanh số khoảng 500 triệu một tháng, sắp chạm ngưỡng hoà vốn", ông Đoàn Văn Hiểu Em – người đứng đầu chuỗi An Khang – nói và chia sẻ thêm rằng "đây là mức rất thấp". Do đó, số lượng cửa hàng càng tăng càng giúp chuỗi này có dư địa để đẩy doanh số lẫn lợi nhuận.

Sự lạc quan của lãnh đạo Thế Giới Di Động hoàn toàn có cơ sở khi chuỗi Long Châu mới báo lãi nhẹ khi kết thúc năm 2021, dù trước đó họ tính toán chuỗi lỗ phải kéo dài đến hết năm nay. Doanh số của chuỗi này cũng tăng hơn ba lần năm trước, lên gần 4.000 tỷ đồng.

Bà Điệp từng cho biết biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ dược phẩm cao hơn di động khoảng 3%. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trong giai đoạn phải chiến đấu với các đối thủ. Người đứng đầu FPT Retail đánh giá, khi hoạt động ổn định cộng thêm lợi thế về quản trị chuỗi, phát triển mặt bằng và thừa hưởng bí quyết mua hàng, nguồn hàng từ nhà thuốc Long Châu trước đây thì biên lợi nhuận có thể cải thiện nhiều hơn.

"Chúng tôi không đặt lợi nhuận làm ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đánh đổi để tăng độ phủ và thị phần", bà chia sẻ trong phiên họp thường niên cách đây hai năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm