Theo thông tin Vietcombank công bố, vào sáng ngày 17/03/2022 đã diễn ra Lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 giữa Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát) và 8 ngân hàng tham gia đồng tài trợ, trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ vai trò là ngân hàng đầu mối.
8 Ngân hàng tham gia trong khoản vay hợp vốn lần này, ngoài Vietcombank là ngân hàng đầu mối còn có các ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank, MB, VPBank, TPBank và MSB đồng tài trợ.
Ông Mai Văn Hà – Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất và đại diện 8 ngân hàng ký kết Hợp đồng tín dụng. (Nguồn: Vietcombank).
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh: Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm và tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.
Dự kiến khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của Hòa Phát đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết thêm hơn 8.000 lao động tại địa phương. Với việc triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Tập đoàn Hòa Phát hướng tới sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao để trở thành doanh nghiệp nội địa sản xuất thép HRC lớn nhất tại Việt Nam.
Đại diện các ngân hàng tham gia tài trợ vốn phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định: Với tư cách là ngân hàng đầu mối, Vietcombank đã thực hiện thu xếp thành công khoản cam kết cấp tín dụng trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án cùng 7 tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tại Việt Nam.
Cấp tín dụng hợp vốn là một hình thức cấp tín dụng khá phổ biến với những dự án lớn, được thực hiện bởi từ 2 ngân hàng trở lên, trong đó 1 ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng đầu mối dàn xếp khoản vay, các ngân hàng khác tham gia cấp tín dụng được gọi là ngân hàng đồng tài trợ.
Xuất phát từ thực tế có những doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đặc thù như Điện, BOT,... hoặc một số công trình trọng điểm quốc gia có nhu cầu với khoản cấp tín dụng lớn, vượt quá giới hạn tín dụng của 1 Ngân hàng, mà nếu chia nhỏ khoản vay độc lập ở các Ngân hàng khác nhau thì không bảo đảm về tài sản bảo đảm và quản lý khoản vay nên các Ngân hàng sẽ cùng thực hiện cấp tín dụng với khách hàng, gọi là cấp tín dụng hợp vốn.
Hiện nay, quy định về cấp tín dụng hợp vốn được quy định tại Thông tư số 42/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Quy định về việc cấp tín dụng hợp vốn của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Trong đó điều 5 quy định: Các trường hợp thực hiện cấp tín dụng hợp vốn
1. Nhu cầu xin cấp tín dụng để thực hiện dự án của khách hàng vượt giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
2. Khả năng tài chính và nguồn vốn của một tổ chức tín dụng không đáp ứng được nhu cầu cấp tín dụng của dự án.
3. Nhu cầu phân tán rủi ro của tổ chức tín dụng.
4. Khách hàng có nhu cầu được cấp tín dụng từ nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để thực hiện dự án.
5. Các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trên thực tế tại Việt Nam, một số lĩnh vực như BOT, điện, công nghiệp nặng,... luôn cần tới sự "bắt tay" hợp tác đồng tài trợ của các nhà băng.
Chẳng hạn mới đây nhất, ngày 12/2, theo báo Nghệ An đưa tin, tại trụ sở BIDV - Chi nhánh Nghệ An, liên danh các nhà đầu tư Dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và các Ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho dự án đã ký kết Hợp đồng tài trợ vốn cho dự án.
Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,82 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Thời gian xây dựng là 36 tháng, và thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.
Có 4 ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho dự án này bao gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, Bắc Á bank với phê duyệt tài trợ vốn cho dự án với hạn mức 3.560 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Tính - Giám đốc BIDV chi nhánh Nghệ An hy vọng bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, các nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất. Ảnh: Tiến Đông
Hay như vào tháng 10 năm ngoái, nhiều báo cùng đưa tin, một dự án của Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) là Dự án Nhơn Trạch 3 và Dự án Nhơn Trạch 4 của PV Power được Techcombank và MBbank đồng tài trợ.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ mang đến nguồn năng lượng sạch tiêu chuẩn quốc tế và tạo bước ngoặt cho chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy điện đóng vai trò là trung tâm phụ tải của miền Nam, với 3 khu vực phụ tải lớn là TP. HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có công suất mỗi nhà máy từ 750 - 800 MW với tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Trước đó, Techcombank và MB đã từng thu xếp tài chính cho nhiều dự án điện của PV Power như Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na…
Techcombank và MB thu xếp 1,4 tỉ USD cho dự án điện khí của PVPower - Ảnh: TCB