Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng trong 2 năm
Theo đó, mục tiêu của Chương trình nhằm bảo đảm đến hết quý 1/2022, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được hoàn thành; tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.
Đồng thời, việc tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn, mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi cần phải được nghiên cứu khẩn trương.
Chương trình sẽ được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, Nghị quyết yêu cầu tất cả các cấp chính quyền cần phải có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".
Đáng chú ý, nghị quyết nêu nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nhóm nguy hiểm).
Địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng
Nghị quyết cho biết, cơ sở dữ liệu dịch tễ học phục vụ cho công tác dự báo và giám sát cần phải được thiết lập. Trong đó, cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm: tình hình dịch; giám sát virus; hoạt động điều trị; tiêm chủng; khả năng và hiệu quả đáp ứng phòng, chống dịch, hiệu quả điều trị của địa phương; đánh giá kháng thể kháng virus SARS-CoV-2…
Cùng với việc tăng năng lực cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh, sẽ kiện toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện, như huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia. Tăng năng lực khám, chữa bệnh gắn với bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết cũng nêu ra các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tài chính và hậu cần. Đơn cử như việc đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư trang thiết bị, nguồn tài chính chi cho phòng, chống dịch trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực, địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Đồng thời, áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch
Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế triển khai kịch bản phòng, chống dịch COVID-19; cho ý kiến về kịch bản, phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn. Nâng cao năng lực y tế, xây dựng cơ chế xã hội hóa thuốc, vaccine…
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài
Bên cạnh mục tiêu đẩy nhanh độ bao phủ của vaccine, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình là bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân.
Cụ thể, các địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp;
"Địa phương sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài", Nghị quyết nhấn mạnh.