Có bao giờ bạn hình dung ra thế giới sẽ ra sao nếu không có trí tưởng tượng và sự sáng tạo không? Một đứa trẻ thông minh chắc chắn không thể tách rời 2 yếu tố này, nó là nền tảng để xây dựng mọi thứ vững chắc ngay từ đầu.
Điều kiện đầu tiên để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ là khơi dậy sự quan tâm của chúng. Khi trẻ thích một điều nào đó, chúng sẽ chủ động khám phá, nó là điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo trong các hoạt động trẻ tham gia.
Để một đứa trẻ phát huy hết được tiềm năng của bản thân, kích hoạt trí tưởng tượng và óc sáng tạo, cha mẹ có thể giúp đỡ con mình bằng những cách sau:
1. Rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ
Kỹ năng ngôn ngữ bao gồm nghe và nói, được thực hiện thông qua các cuộc trò chuyện hằng ngày và nghe các câu chuyện khác nhau. Hầu hết đứa trẻ nào cũng thích nghe truyện cổ tích, trong quá trình nghe có thể khơi gợi tư duy, trí tưởng tượng của trẻ. Cha mẹ dùng phương pháp đặt câu hỏi gợi hứng để hướng trẻ tư duy và diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn.
2. Tăng cường các trò chơi mang tính sáng tạo
Đối với trẻ nhỏ, hoạt động vui chơi cũng quan trọng như nhu cầu ăn uống. Trong quá trình chơi đùa, trẻ có thể bắt chước và sáng tạo ra các quy luật chơi. Tuỳ theo từng trò chơi, trẻ có thể tự nghĩ ra các nhân vật, cốt truyện hay đạo cụ cho riêng mình.
3. Kích thích sự tò mò
Trẻ em đặc biệt tò mò, ham muốn khám phá thế giới. Trên thực tế, điều này có thể rèn luyện khả năng phối hợp tay mắt của trẻ, từ đó tác động tới sự phát triển của não bộ.
4. Khuyến khích trẻ tự làm đồ chơi
Trò chơi không thể tách rời đồ chơi. Đồ chơi trẻ em không phải lúc nào cũng là thứ đắt tiền, nó cần có đáp ứng được nhu cầu phát triển trí tưởng tượng của trẻ hay không mới là yếu tố quan trọng.
Đồng thời, việc khuyến khích trẻ tự làm đồ chơi không chỉ rèn luyện khả năng thực hành của trẻ, mà quan trọng hơn là chúng có thể thể hiện trí tưởng tượng và óc sáng tạo trong quá trình tự làm tự chơi của mình.
5. Tưởng tượng ra những câu chuyện của riêng trẻ
Cha mẹ hãy để trẻ nghĩ ra một câu chuyện bằng trí tưởng tượng của chúng, thậm chí đó có thể là siêu anh hùng. Sau đó, khuyến khích trẻ kể ra câu chuyện của chính mình, dù vô lý đến đâu, trẻ vẫn là nhân vật chính trong câu chuyện.
6. Cùng nhau chơi trò chơi đóng vai
Trò chơi nhập vai cho phép trẻ học cách quản lý các hành động và biểu hiện của chúng trong quá trình sáng tạo và biểu diễn. Nhập vai có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội, thậm chí giúp chúng thể hiện cảm xúc vui buồn tốt hơn.
Cha mẹ có thể cùng con chuẩn bị những đạo cụ cần thiết như quần áo, vật dụng… để trẻ cảm thấy nhập tâm hơn khi diễn.