Cung cấp thêm thông tin xung quanh chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề đấu giá tài sản, tại phiên chất vấn chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, vấn đề đấu giá tài sản là câu chuyện giao dịch hết sức bình thường, phổ quát trong nền kinh tế thị trường, rất nhiều nước có truyền thống bán đấu giá từ hàng trăm năm nay, ở Việt Nam thực tế phát triển đấu giá, quy định của pháp luật bắt đầu từ 1996 khi Chính phủ ban hành Nghị định về đấu giá tài sản.
Theo Bộ trưởng, qua so sánh với pháp luật của Việt Nam với thực tiễn một số nước, cùng với những nguyên tắc cơ bản nhất của câu chuyện đấu giá, có một số khác biệt. Về pháp luật điều chỉnh thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có luật, các nước khác chủ yếu theo Bộ luật Dân sự, thậm chí không có quy định riêng. Về tài sản đấu giá, các nước chủ yếu là tài sản tư nhân, còn ở Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021, trong số 110.000 cuộc đấu giá thành chỉ có 50 cuộc là tài sản tư nhân.
Về giá khởi điểm cũng không có quy định, chủ yếu là do các bên thỏa thuận, thậm chí bắt đầu bằng 0. Về tiền đặt trước, sau này là tiền đặt cọc, kinh nghiệm và thực tiễn của các nước có khác nhau, nhưng thường từ 5-20%, có những nước tăng đến 25% giá khởi điểm thì lại có mức trần. Chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành người ta không tính, nguyên tắc của đấu giá là dân sự, được càng nhiều tiền càng tốt. Nhật Bản bán cặp dưa lưới tính ra tiền Việt Nam được cả tỉ đồng hay có những bức tranh giá khởi điểm là 100 USD mà bán được 69,3 triệu USD.
Bộ trưởng cho biết, ông đồng tình với đánh giá, nhận xét của đại biểu cho rằng pháp luật đấu giá của ta được quy định ở nhiều nơi, nhiều tác nhân tham gia vào và nhiều bộ ngành có liên quan. Luật Đấu giá quy định trình tự thủ tục và những nguyên tắc chung nhất của đấu giá. Tuy nhiên khi đi vào các quy định pháp luật thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành, như đấu giá tần số viễn thông theo Luật Tần số viễn thông, các vấn đề liên quan sử dụng đất thuộc nhánh pháp luật về đất đai…
"Nếu trên dưới 20 loại tài sản quy định bán đấu giá thì cũng có chừng ấy luật khác nhau", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chế tài để áp dụng trong trường hợp có vi phạm về đấu giá có dân sự, hành chính và hình sự. Về dân sự nếu không mua thì mất cọc; hành chính trong lĩnh vực tư pháp có Nghị định 82 phạt, hình sự cũng có thể còn hơi “vụng về” trong vận dụng nhưng trong những vụ việc vừa rồi xảy ra, không dám kết luận là đúng hay không đúng, có cơ sở hay không có, nhưng nếu có được cũng có thể áp dụng vào Điều 218 BLHS về tình trạng nâng giá một cách có dụng ý hoặc về tội đầu cơ.
Theo Bộ trưởng, sắp tới sẽ có căn chỉnh dựa trên thực tế vừa rồi, nhưng cách tiếp cận vẫn phải ở các luật khác nhau. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao có thể đồng bộ hóa để thuận tiện cho việc áp dụng, dễ dàng và đưa về cùng một mặt bằng.
Về vấn đề giá khởi điểm, giá này có liên quan đến quyền sử dụng đất, áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Chừng mực nào đó là pháp luật về quản lý thuế, thuộc lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.