Ngành hàng đồ tươi sống trực tuyến tại Đông Nam Á nóng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và làm tê liệt nhiều khu vực. Nhu cầu tăng mạnh khiến nhiều sàn TMĐT cũng bắt đầu nhập cuộc với ngành hàng này, theo Tech in Asia.
Thực tế, trước khi đại dịch xảy ra, các công ty lớn như Grab, Lazada hay Shopee đã thử nghiệm việc giao đồ tươi sống tại nhiều quốc gia trong khu vực. Trong năm 2021, Singapore, Malaysia Thái Lan và Indonesia bắt đầu trở thành một "chiến trường" cho các công ty giao đồ tươi sống khi nhiều công ty đổ nguồn lực cùng lúc vào mảng này.
Năm 2018, Grab hợp tác cùng HappyFresh (Indonesia) để cung cấp dịch vụ giao đồ tươi sống GrabFresh tại Indonesia và Thái Lan. Grab tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh dịch vụ này vào năm 2020 bằng cách giới thiệu GrabMart tại Đông Nam Á và GrabSupermarket tại Malaysia. Năm nay, Grab có thêm một động thái quyết liệt ở mảng này bằng cách mua lai chuỗi siêu thị Malaysia Jaya Grocer.
Đối thủ Lazada cũng bắt đầu giao đồ tươi sống tại Đông Nam Á thông qua dịch vụ LazMart sau khi nó thâu tóm RedMart (Singapore) vào năm 2016. Tương tự, Shopee cũng bắt đầu mảng giao đồ tươi sống vào năm 2018 với Shopee Mart.
Ngày càng có nhiều "tay chơi" mới
Ngày càng có nhiều "tay chơi" mới gia nhập mảng dịch vụ giao đồ tươi sống. Ví dụ, dịch vụ giao đồ ăn Foodpanda ra mắt một dịch vụ mới có tên Pandamart vào tháng 6/2020. Một công ty giao đồ ăn khác là Deliveroo cũng triển khai dịch vụ giao đồ tươi sống ở Singapore vào giữa năm ngoái.
Công ty gọi xe Myanmar Oway cũng tìm được vào mảng này khi mảng kinh doanh gọi xe cốt lõi bị ảnh hưởng vì đại dịch. Trong khi đó, Traveloke cũng có dịch vụ đồ tươi sống điện tử Mart.
Các sàn TMĐT dày dạn kinh nghiệm của Indonesia như Bukalapak và Tokopedia cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Bukalapak triển khai dịch vụ đồ tươi sống trực tuyến vào tháng 3 năm ngoái và mua 4,76% cổ phần của công ty bán lẻ Indonesia Matahari Putra Prima. Trong khi đó, Tokopedia công bố hợp tác với Trans Retail để thành lập một liên doanh ở mảng đồ tươi sống trực tuyến hồi tháng 1 vừa qua.
Ở Việt Nam, Society Pass bước chân vào mảng giao đồ tươi sống khi thâu tóm dịch vụ Handycart. Alibaba mới đây cũng mua 5,5% cổ phần của The CrownX, đơn vị vận hành chuỗi Winmart. Thông qua đó, Lazada, sàn TMĐT Đông Nam Á của Alibaba, được kỳ vọng sẽ có thêm sức mạnh ở mảng giao đồ tươi sống.
Cuộc chơi đồ tươi sống trực tuyến tại Đông Nam Á
Không chỉ có các công ty đa quốc gia mới thăng hoa. Nhiều công ty hoạt động tại một thị trường cũng đang tìm được các ngách thị trường của riêng mình.
Trong khi các công ty lớn như Grab hay Lazada cung cấp đa dạng các dịch vụ đồ tươi sống, các công ty như Treedots (nền tảng thương mại xã hội và quản lý rác thải Singapore) và Kameroo (nền tảng cung ứng nguồn hàng Việt Nam) cũng đang điền vào những khoảng trống trên thị trường.
Nhiều chuỗi siêu thị vật lý như NTUC Fairplace (Singapore) hay Bach Hoa Xanh (Việt Nam) cũng tiếp tục củng cố năng lực giao đồ tươi sống của riêng mình. Nhiều chuỗi là đơn vị tiên phong ở mảng giao đồ tươi sống trực tuyến ở Đông Nam Á, song không ít công ty mới đây mới triển khai dịch vụ này để duy trì cạnh tranh.
Nhìn chung, các startup giao đồ tươi sống Đông Nam Á phần lớn vẫn ở Indonesia. Một số báo cáo dự đoán quy mô thị trường hàng tươi sống trực tuyến tại đây có thể tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2021 lên tới gần 6 tỷ USD trong năm 2025. Phần lớn các startup giao đồ tươi sống ở Đông Nam Á cũng đang trong các giai đoạn gọi vốn đầu tiên. (Pre-series và Series A).
Chặng đường dài đến cột mốc lợi nhuận
Mặc dù các công ty giao đồ tươi sống trực tuyến có nguồn tiền mặt dồi dào, mục tiêu lợi nhuận vẫn là một điều xa vời. Biên lợi nhuận thấp và cạnh tranh mạnh mẽ tiếp tục làm khó với cả các công ty kỳ cựu như RedMart.
Dù thế, tương lai ở phía trước vẫn đầy lạc quan. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, 20% người dùng dịch vụ giao đồ tươi sống trực tuyến trong nửa đầu năm 2021 là khách hàng mới. Bên cạnh đó, 9/10 người dùng mới trong năm 2020 tiếp tục mua đồ tươi sống trực tuyến trong năm 2021.
Thị trường đồ tươi sống trực tuyến ở Indonesia và Thái Lan cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất Châu Á trong 5 năm tới.
Ở ngắn hạn, các thách thức dành cho các công ty giao đồ tươi sống trực tuyến là tỷ lệ lạm phát cao trong khu vực và những khó khăn nói chung về kinh tế có thể khiến các startup không quá trường vốn gặp khó khăn trong duy trì vận hành. Cùng lúc, các lệnh hạn chế do COVID-19 dần được nới lỏng đồng nghĩa với việc người dùng cũng có thể sẽ quay lại với các thói quen mua sắm của mình trước đại dịch.