Ông Stephen Yao, trú tại Quảng Đông, thường dành thời gian cho hai mươi chuyến công tác quốc tế mỗi năm để săn đón các mối bất động sản cho giới thượng lưu Trung Quốc, đặc biệt là ở gần những khu du lịch nổi tiếng tại Kyoto, Bangkok, Pattaya hay Kuala Lumpur.
Thói quen này không còn được duy trì kể từ chuyến đi cuối cùng vào tháng 3/2020 bởi đại dịch bùng phát. Vị doanh nhân này cũng như các đồng nghiệp hay khách hàng khác của ông thời gian qua đành phải bỏ trống hàng trăm căn hộ trên những mảnh đất xa xôi, hoặc cho thuê chúng với giá rẻ mạt.
Dù tương lai nới lỏng các lệnh cấm vận hàng không vẫn không mấy khả quan, ông Stephen vẫn mong được trở lại với lối sống mơ nước của mình: Tự do đi lại và dành tiền cho các cơ hội đầu tư quốc tế - một lối sống mơ ước cho giới nhà giàu Trung Quốc ngày trước. Nhưng ông Stephen cho rằng, khác với thế hệ đi trước, lớp trẻ hiện tại thường chú tâm vào những mảng đầu tư trong nước hơn.
"Những ai sinh từ những năm 1970 và 1980 đã quá quen với thành quả của sự toàn cầu hóa, khiến họ chú trọng vào những khoản đầu tư quốc tế để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng chủ trương này không còn được bọn trẻ ưu tiên nữa". Ông Stephen chia sẻ.
Jay Li, chủ một doanh nghiệp startup thương mại điện tử mới chỉ tầm tuổi 20, đã dành 3 triệu nhân dân tệ (470,000 USD) trang trí nội thất cho căn hộ 90 mét vuông của anh ở Quảng Châu.
"Nội thất sang trọng và sưu tầm hội họa vừa thú vị, lại vừa có giá trị thực tiễn cao hơn". Jay chia sẻ. " Dành 500.000 đến 800.000 nhân dân tệ mua một căn hộ 30 mét vuông tại một cái góc nào đó ở Đông Nam Á chả có gì hay ho với tôi cả".
Chủ trương tiêu dùng của Li hẳn sẽ là một tin vui với những nhà lãnh đạo Trung Quốc khi nước này ra sức phát triển "chính sách lưu thông kép" trong những năm gần đây, nhằm kéo trọng tâm kinh tế về thị trường nội địa, thay vì dựa vào hệ thống nhập khẩu, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới.
Các nhà đầu tư trẻ đang gặt hái những thành công đầu tiên của họ từ những thị trường nội địa như thương mại điện tử, giải trí trực tuyến và trò chơi điện tử. Dĩ nhiên những mảng đầu tư bất động sản quốc tế vẫn là một lựa chọn hấp dẫn nếu tình hình đại dịch tiến triển tốt hơn, nhưng nhu cầu mua nhà và sống ở các nước khác của người Trung Quốc bây giờ thấp hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Giới trẻ tin rằng tài sản của họ sẽ an toàn và dễ kiểm soát hơn khi lưu thông trong thị trường nội địa.
Xu thế trên cũng được củng cố bởi dữ liệu từ một cuộc khảo sát kinh tế trong giới trung lưu được thực hiện bởi Wu Xiaobo Channel, một trong những công ty tài chính truyền thông hàng đầu Trung Quốc.
Theo báo cáo, những người trong độ tuổi 40 trở lên thường dành tài sản của họ vào các mảng đầu tư nước ngoài, chú tâm hơn và những vấn đề nhập cảnh, y tế, lương hưu. Trong khi đó, những người trong độ tuổi 20 và 30 lại chú tâm hơn vào giáo dục, sự nghiệp và gia tăng giá trị tài sản, thay vì tiết kiệm.
60% người trẻ trong giới trung lưu Trung Quốc đang làm việc tại một trong bốn ngành: công nghệ trực tuyến, sản xuất, tài chính và bất động sản. 29% hiện đang không phải gánh các khoản vay thế chấp, số còn lại thì tổng số nợ trong một gia đình là khoảng 1,47 triệu nhân dân tệ. 19% trong số họ có những công việc tay trái, và 41% đang có dự định khởi nghiệp hoặc hành nghề tự do trong thời gian sắp tới.
Dân số Gen Z (những người trẻ sinh sau 1997) tại Trung Quốc vào năm 2020 lên đến 260 triệu người, với tổng giá trị tiêu dùng lên tới 4.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm đến 13% giá trị tiêu dùng theo hộ gia đình trên toàn quốc.
Theo các chỉ số trên nhiều sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc, khác với thế hệ đi trước, những người trẻ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các thương hiệu nội địa (local) ở tất cả các loại hàng hóa, thay vì phụ thuộc vào các hãng quốc tế. Đáng mừng rằng giờ đây, họ có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết.