Theo tạp chí Forbes, việc các doanh nghiệp quốc tế rời khỏi Nga một phần hoặc hoàn toàn đã khiến quốc gia này mất đi 200.000 việc làm.
Trong đó, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's là đơn vị sử dụng số lượng lao động nhiều nhất trong số những doanh nghiệp thông báo sẽ rút khỏi thị trường Nga. Tại Nga, chuỗi nhà hàng này đang sử dụng tới 62.000 nhân viên.
Đứng thứ hai về số lượng lao động đang sử dụng tại Nga là PepsiCo. Có khoảng hơn 8.000 người làm việc tại các cơ sở sản xuất đồ uống không cồn do PepsiCo kiểm soát tại vùng Solnechnogorsk, Moscow cùng hơn 1.500 lao động làm việc tại công ty sản xuất thực phẩm Frito Lay tại vùng Kashira, Moscow, theo số liệu được Forbes thống kê.
Bên cạnh đó, công ty sản xuất sữa và thức ăn cho trẻ em Wimm-Bill-Dann Foods cùng đơn vị sản xuất nước ép trái cây Lebedyansky, hai công ty con của PepsiCo, sử dụng lần lượt 8.600 lao động và 462 lao động trước khi công ty này tuyên bố rời Nga. Như vậy, PepsiCo sử dụng tổng cộng khoảng 19.000 lao động tại Nga. Việc công ty này tuyên bố rời khỏi thị trường Nga sẽ khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất hàng đầu thế giới của Thụy Điển là IKEA đang sử dụng khoảng 15.000 nhân viên tại Nga, nhưng IKEA vẫn chưa đưa ra thông báo sẽ sa thải hay không bởi tập đoàn này đã đóng cửa tất cả cửa hàng trong ba tháng, ngoại trừ 14 trung tâm mua sắm MEGA, đồng thời cũng ngừng sản xuất và mua hàng từ các nhà cung cấp địa phương.
Trong ba tháng tới, các nhân viên IKEA vẫn sẽ làm việc và được trả toàn bộ lương tương ứng thời điểm hiện tại. Ông Konstantin Tyutrin, người phát ngôn của IKEA tại Nga nhấn mạnh rằng đây không phải là khoản trợ cấp thôi việc, các nhân viên vẫn thuộc biên chế công ty và phải làm việc như bình thường.
Yum! Brands, đơn vị sở hữu những thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng như KFC và Pizza Hut là doanh nghiệp đứng thứ ba về số lượng nhân viên sử dụng tại Nga. Tổng cộng, doanh nghiệp này sử dụng khoảng 14.500 nhân viên trước khi tuyên bố rời Nga.
Khoảng 70 cửa hàng KFC đang hoạt động do công ty này trực tiếp quản lý đã đóng cửa. Ngược lại, khoảng 1.000 cửa hàng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền vẫn còn hoạt động.
Khoảng 502 cửa hàng khác đã bị đình chỉ hoạt động tại Nga theo quyết định của công ty Inditex, Tây Ban Nha. Đây là đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn như Zara, Pull & Bear, Massimo Dutti, Bershka, Oysho,… Sau khi đóng cửa hàng trăm cửa hàng tại Nga, Inditex sẽ đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ mặt kinh tế cho gần 9.000 lao động.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng là những đơn vị chịu ảnh hưởng, trong đó đặc biệt phải kể đến Volkswagen, nhà sản xuất ô tô Đức, đơn vị đang sử dụng gần 6.000 lao động tại Nga.
Các nhân viên Volkswagen đang làm việc tại Nga sẽ nhận được các khoản trợ cấp ngắn hạn. Dù vậy, hợp đồng lắp ráp của Volkswagen với hãng sản xuất ô tô Cộng hòa Séc Skoda được thực hiện tại địa điểm của nhà máy ô tô của tập đoàn Gaz tại vùng Nizhny Novgorod. Trang web của công ty tại Nga đã tạm dừng hoạt động, song Volkswagen vẫn đảm bảo 2/3 khoản lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Điện Kremlin đang nỗ lực nhằm tìm ra những giải pháp để kiểm soát tình hình. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết chính phủ đang theo dõi sát tình hình và tìm ra những bước đi phù hợp.
Hiện Nga đang bị Mỹ, Anh và các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định rời khỏi quốc gia này.