Ngày 14/3, Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, thông báo đóng cửa nhà máy tại Longhua và Guanlan thuộc Thẩm Quyến do Covid-19 bùng phát. Đến 16/3, đại diện công ty cho biết hai nhà máy của họ đã được phép hoạt động trở lại sau khi cam kết tuân thủ quy trình khép kín của chính quyền địa phương.
Theo đó, hàng chục nghìn nhân viên tại đây phải thực hiện các biện pháp theo dõi y tế nghiêm ngặt, sinh hoạt và làm việc trong khuôn viên của công ty. Họ có thể di chuyển từ ký túc xá đến nhà máy nhưng không được ra ngoài.
SCMP dẫn lời đại diện Foxconn: "Để nối lại một phần hoạt động sản xuất, chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc do chính quyền địa phương ban hành. Các công nhân sẽ được theo dõi y tế thường xuyên".
Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết: "Chúng tôi dự đoán còn nhiều bất ổn trong năm 2022, vì đại dịch vẫn chưa kết thúc, trong khi lạm phát và căng thẳng địa chính trị quốc tế ngày càng gia tăng. Mặc dù chưa thấy bất kỳ sự hủy bỏ đơn đặt hàng nào, chúng tôi sẽ rất thận trọng và theo dõi chặt chẽ các động thái thị trường".
Foxconn thành lập nhà máy đầu tiên ở Thâm Quyến năm 1988, lúc cao điểm công ty có 200.000 công nhân tại đây. Nhà máy Longhua và Guanlan là nơi sản xuất iPhone, iPad và một số sản phẩm khác của Apple. Các chuyên gia đánh giá, việc Foxconn tuyên bố đóng cửa nhà máy hôm 14/3 có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất loạt thiết bị mới ra mắt của Apple gồm iPhone SE 2022, iPad Air 5 và Mac Studio.
Ngoài Foxconn, Thẩm Quyến còn là nơi đặt trụ sở và nhà máy của nhiều công ty lớn như Huawei, DJI và Tencent. Khi thành phố áp lệnh phong toả một tuần với 17 triệu dân, nhiều công ty đã tìm cách để nhanh chóng nối lại hoạt động sản xuất. Một trong những biện pháp được đưa ra là áp dụng "quy trình khép kín" như Foxconn.
Theo Fortune, việc phong toả Thâm Quyến có thể gây gián đoạn lớn về chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực với các công ty công nghệ. Thành phố này hiện có cảng lớn thứ tư thế giới là Yantian, nơi khoảng 90% lô hàng điện tử của Trung Quốc đi qua. Tháng 6 năm ngoái, khi Trung Quốc phong toả Thâm Quyến một tháng, cảng Yantian cũng tồn đọng một lượng lớn hàng hóa. Số hàng này sau đó phải mất nhiều tháng mới xử lý hết. Theo một đại diện của hãng vận tải Maersk, việc đóng cảng Yantian "gây gián đoạn ở mức nghiêm trọng hơn nhiều so với việc tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez".
(theo SCMP)