Smartphone (điện thoại thông minh) là một trong những thiết bị không thể thiếu trong đời sống thiếu hiện nay, cho phép bạn nhắn tin, đọc báo, chơi game, làm việc… và tương tác với người khác mà không gặp rào cản về địa lý. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, nghiện điện thoại quá mức có thể dẫn đến một số hệ lụy mà bạn không thể ngờ tới.
Kang Lanying, một chuyên gia hòa giải xung đột hôn nhân ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho biết: “Thay vì trao đổi với đồng nghiệp, làm việc nhà hoặc giáo dục con trẻ, chúng ta lại đang dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, và việc này đã khiến các cặp vợ chồng nảy sinh xung đột”.
Cao Hongling, một hòa giải viên khác làm việc tại Vũ Hán, cho biết 30% các vụ xung đột hôn nhân mà cô đã giải quyết có liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều.
“Nghiện điện thoại di động sẽ khiến hai vợ chồng không nói chuyện với nhau, không chia sẻ công việc nhà và không quan tâm đến đối phương. Tất cả những vấn đề này cuối cùng đã dẫn đến cuộc ly hôn”, Cao nói.
Cao cho biết đây là một dạng ‘bạo lực gia đình’, khi một người dành toàn bộ thời gian cho điện thoại di động và bỏ bê bạn đời cũng như các nhiệm vụ trong gia đình.
Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng từ 2 trường hợp trên 1.000 người năm 2010 lên 3,4 trường hợp trên 1.000 người vào năm 2019, trước khi giảm xuống 3,1 trường hợp trên 1.000 người vào năm 2020. Tỷ lệ ly hôn tăng cao đã khiến các nhà chức trách đưa ra khoảng thời gian 30 ngày để hòa giải.
Nghiên cứu của Trung Quốc cho biết nam giới thường nghiện điện thoại hơn nữ giới.
Cao cho biết cô đã từng giúp một người phụ nữ nộp đơn ly hôn vì cảm thấy “ngột ngạt” khi ở nhà và không cảm thấy bất kỳ sự ấm áp nào.
“Anh ấy không quan tâm đến tôi, con cái hay nhà của chúng tôi. Anh ấy chỉ nghịch điện thoại ngay khi đi làm về và không làm gì khác. Tôi yêu cầu anh ấy giúp tôi làm việc nhà, nhưng anh ấy không đáp lại”, người phụ nữ nói với Cao.
Trong khi đó chồng cô gái cho biết anh không nghĩ mình làm gì sai vì ngày nào anh cũng trở về nhà sau giờ làm việc, đồng thời từ chối giảm thời gian sử dụng điện thoại. “Tôi chỉ lướt mạng, xem mạng xã hội, đọc tin tức và chơi trò chơi trên điện thoại di động của mình”, người chồng cho biết.
Kết quả khảo sát của Ben Bajarin (một chuyên viên bảo mật tại Apple) cho thấy người dùng iPhone thường mở khóa thiết bị trung bình 80 lần/ngày, trong khi con số này trên Android là 110 lần. Ví dụ, nếu một ngày chúng ta xài iPhone 12 tiếng, điều đó có nghĩa là cứ chín phút bạn lại mở khóa thiết bị một lần để kiểm tra Facebook, tin nhắn hoặc đơn giản chỉ là mở khóa theo thói quen.
Nhìn chung, việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ khiến chúng ta không có thời gian rảnh rỗi, hoặc năng lượng tốt để nghĩ về những thứ khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy smartphone không chỉ lấy đi thời gian, sức khỏe mà còn làm giảm khả năng tư duy của bạn…
Để hạn chế, bạn nên đặt ra các khoảng thời gian “nói không với điện thoại”, dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè, gia đình và các mối quan hệ thực tế ngoài cuộc sống, đừng dán mắt vào màn hình smartphone mà quên đi các giá trị thực sự.
Về cơ bản smartphone cũng chỉ là một sản phẩm công nghệ, do đó ý thức của người dùng vẫn là cái quyết định.