Doanh nghiệp

Từng hậu thuẫn cho Nutifood và PV Power vay hàng trăm triệu đô, Tập đoàn tài chính Ý SACE đang tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh nguồn vốn “khủng” 1,3 tỷ USD

SACE là Tập đoàn Bảo hiểm và Tài chính tín dụng, trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Italia. Tập đoàn này chuyên cung cấp các công cụ và giải pháp toàn diện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống kinh tế quốc gia, trong nhiệm vụ thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong nước cũng như trên thị trường quốc tế của nền kinh tế Italia.

Với danh mục hoạt động được bảo hiểm và các khoản đầu tư được bảo đảm trị giá 260 tỷ USD, SACE hỗ trợ hơn 50.000 công ty Italia - đặc biệt là SMEs, giúp họ tăng trưởng tại thị trường Italy và khoảng 200 thị trường nước ngoài khác.

Không những thế, trong vài năm gần đây, họ đã chủ động đến các nước là đối tác thương mại quan trọng của Italia nhằm thực hiện bảo lãnh không ràng buộc, để các Ngân hàng cho DN nước sở tại vay. Và SACE đã chọn Việt Nam để bắt đầu hành trình này tại khu vực Đông Nam Á.

SACE đã chọn Việt Nam để bắt đầu thâm nhập sâu thị trường Đông Nam Á

"Về vị trí địa lý, Việt Nam chính là trung tâm chiến lược của Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn tại khu vực này. Hơn nữa, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và Italia tương đối giống nhau, khi SMEs chiếm 95% - là xương sống của cả nền kinh tế.

3 năm trước, khi các Hiệp định thương mại giữa EU-Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, giao thương giữa Việt Nam – Italia cũng bắt đầu cất cánh, kim ngạch thương mại giữa cả hai tăng trung bình từ 10% đến 15%/năm. Để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch nhanh hơn nữa, SACE đang có ý định sẽ bảo lãnh thu xếp vốn vay cho các DN Việt Nam – Ý khoảng 1,3 tỷ USD trong năm 2024-2025", ngài Marco Della Seta - Đại sứ Italia tại Việt Nam mở đầu câu chuyện.

Từng hậu thuẫn cho Nutifood và PV Power vay hàng trăm triệu đô, Tập đoàn tài chính Ý SACE đang tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh nguồn vốn “khủng” 1,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Ngài Marco Della Seta - Đại sứ Italia tại Việt Nam

Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy: năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italy đạt 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Itali năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Italia 1,7 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2021. Năm 2023, kim ngạch thương mai song phương đạt 6,5 tỷ USD.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Italy gồm linh kiện điện tử, sắt thép, dệt may – da giày, cà phê, hạt điều, máy móc thiết bị... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chính từ Italy máy móc thiết bị cơ khí, nhựa và các sản phẩm nhựa, tủ bàn ghế, phụ kiện dệt may, đồ uống, giấm…

Đầu năm 2023, SACE đã đến và mở văn phòng tại TP.HCM. Động thái này, nói như bà Michal Ron - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của SACE, là để xúc tiến thương mại thực chất hơn cũng như mở rộng các lĩnh vực giao thương giữa Việt Nam – Italia.

Từng hậu thuẫn cho Nutifood và PV Power vay hàng trăm triệu đô, Tập đoàn tài chính Ý SACE đang tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh nguồn vốn “khủng” 1,3 tỷ USD- Ảnh 2.

Bà Michal Ron - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của SACE

Bà Michal Ron cho biết thêm: "Chúng tôi đang quan tâm sâu sắc đến sự tăng trưởng đáng kể và các kế hoạch chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Italy là một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại châu Âu về máy móc chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau như công nghệ năng lượng tái tạo và hàng hoá môi trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi cảm thấy những sản phẩm thế mạnh của Italia như ẩm thực, thời trang, chăm sóc sức y tế - sức khỏe…vẫn chưa phát huy hết tiềm năng khi xuất khẩu vào Việt Nam.

SACE sẵn sàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang tính cạnh tranh cao thông qua giải pháp bảo hiểm và các giải pháp khác của chúng tôi. Bên cạnh đó, thông qua Chiến lược Thúc Đẩy (Push Strategy), chúng tôi cũng sẵn sàng với hơn 10 tỷ USD cho việc hỗ trợ các kế hoạch phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng trên phạm toàn cầu với sự tham gia của các nhà cung cấp đến từ Italia".

Chiến lược Thúc đẩy (Push Strategy) 5 năm của SACE sẽ sử dụng các công cụ đổi mới như cung cấp tài chính cho các DN trên khắp thế giới trước khi họ ký hợp đồng thương mại với DN Italia. Một phần cơ bản và không thể thiếu của thỏa thuận với các khách hàng quốc tế là cam kết xem xét nguồn cung 'Made in Italy' phù hợp các kế hoạch đầu tư của họ. SACE hiện có 13 văn phòng trên khắp toàn cầu.

Vậy DN Việt làm sao để đón được nguồn vốn 1,3 tỷ mà SACE lên kế hoạch thu xếp?

Từng hậu thuẫn cho Nutifood và PV Power vay hàng trăm triệu đô, Tập đoàn tài chính Ý SACE đang tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh nguồn vốn “khủng” 1,3 tỷ USD- Ảnh 3.

Đại diện của SACE tham dự "SACE meets Vietnam".

Cũng theo bà Michal Ron, phương cách hoạt động của SACE như thế này: họ sẽ làm việc với các ngân hàng quốc tế và địa phương, sau đó tổ chức các buổi gặp gỡ giữa DN Việt Nam – Italia để người mua gặp được người bán, tiếp theo họ sẽ hỗ trợ tài chính không ràng buộc, đứng trung gian kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

"Hiện tại, trong hệ sinh thái của chúng tôi có khoảng 20 Ngân hàng - chủ yếu là ngân hàng nước ngoài. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn 10 ngân hàng quốc nội uy tín để tham gia vào hệ sinh thái. Thời hạn một khoản vay trung bình có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, lãi suất có thể theo thị trường hoặc theo giá kỳ vọng của DN hoặc mong muốn từ Ngân hàng.

Về phía DN, trước khi kết nối với Ngân hàng phù hợp, chúng tôi cũng sẽ có những bài kiểm tra dưới góc độ tín dụng, như: họ có kinh doanh hiệu quả hay không?, có hệ thống tài chính chặt chẽ hay không?...

Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ không can thiệp sâu vào quyết định của doanh nghiệp Việt. DN có thể ngay lập tức nhận được vốn vay sau khi hợp tác được ký kết hoặc nhận từng phần tùy nhu cầu và kế hoạch kinh doanh. Hoặc thậm chí ngay sau khi ký kết, DN lại không muốn vay vốn nữa cũng không sao!", bà Michal Ron làm rõ.

Từng hậu thuẫn cho Nutifood và PV Power vay hàng trăm triệu đô, Tập đoàn tài chính Ý SACE đang tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh nguồn vốn “khủng” 1,3 tỷ USD- Ảnh 4.

Giám đốc Tài chính - Max Sunarcia đại diện Tập đoàn Thaco tham dự Hội nghị "SACE meets Vietnam" qua online.

Nếu DN Việt muốn vay vốn trung – dài hạn để thực hiện các dự án về ESG hoặc có kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh ở các lĩnh vực như thiết bị điện, ô tô và năng lượng tái tạo trong nông nghiệp thì hãy tìm đến với SACE. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là khi muốn nhập khẩu bất cứ thứ gì thì DN đó phải ưu tiên nguồn cung đến từ Italia.

Kế hoạch thu xếp 1,3 tỷ USD trong chỉ 2 năm, theo bà Michal Ron, là không phải quá khó khăn. Họ vẫn đang tích cực làm việc với các DN Việt Nam và đến cuối 2024, nhiều khả năng sẽ có từ 370 triệu - 380 triệu USD sẽ được các Ngân hàng rót vào DN Việt, dưới sự bảo lãnh của SACE.

Ngoài ra, trong các năm trước, SACE từng đứng ra bảo lãnh các khoản vay lớn cho NutiFood và PVPower.

Vào 2021, NutiFood đã nhận được khoản vay 31 triệu USD với thời hạn 5 năm, để hỗ trợ chi phí vốn và vốn lưu động của mình; bao gồm khoản đầu tư vào kho bãi mới, thay thế 4 dây chuyền chiết rót hiện có trong hoạt động sản xuất sữa. Trong khoản tín dụng trên, SACE cung cấp bảo lãnh đến 80% khoản vay còn HSBC đóng vai trò là bên thu xếp vốn duy nhất (MLA). Đây là khoản vay đầu tiên mà SACE đứng ra bảo lãnh tại khu vực Đông Nam Á.

Vào 2023, PVPower cho hay, họ đã thành công vay 200 triệu USD từ SMBC (Nhật) do SACE bảo lãnh, với thời hạn 12 năm. Khoản vay này nằm trong kế hoạch huy động vốn để triển khai gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, dự án này có tổng đầu tư khoản 1,4 tỷ USD.

Sau Việt Nam, SACE cũng có kế hoạch bảo lãnh các khoản vay tầm 2 tỷ USD cho các dự án giao thương giữa DN Singapore - Italia. Theo SACE, thì các lĩnh vực xuất - nhập khẩu giữa Italia và Singapore khác hoàn toàn so với Việt Nam, nên sẽ không có sự mâu thuẫn hoặc cạnh tranh ở đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm