-
Thị trường NFT đang bị thống trị bởi một số ít "tay chơi" lớn, hay còn gọi là "cá mập", do vậy cần một khung pháp lý quản lý thị trường tài sản số này.Tại: Đầu tư vào đâu để “tiền đẻ ra tiền” năm 2022?
-
Với người am hiểu về thị trường vàng Việt Nam, không thể lấy biến động giá vàng quốc tế để luận về giá vàng trong nước.Dòng tiền đã quay lại vàng?
Ngày 10-5, thị trường vàng trong nước lại chứng kiến một ngày "dậy sóng". Giá vàng SJC phá đỉnh 90 triệu đồng/lượng ngay khi các hiệu vàng mở cửa kinh doanh. Giá vàng nhẫn trơn 24K cũng nhảy lên mức kỷ lục 76 triệu đồng/lượng. Người dân kỳ vọng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng nên đổ xô đến doanh nghiệp vàng lớn để mua, đẩy giá các loại vàng cùng đi lên.
Muốn mua vàng phải chờ!
Đến cuối ngày, vàng miếng SJC chốt ở mức giá cao chót vót - 90,1 triệu đồng/lượng mua vào, 92,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng gần 3 triệu đồng so với một ngày trước và tăng 5 triệu đồng chỉ trong 2 ngày qua. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng tăng vọt lên 74,85 triệu đồng/lượng mua vào, 76,55 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,35 triệu đồng/lượng so với một ngày trước.
Giá vàng trong nước nhảy vọt trong bối cảnh giá thế giới cũng tăng chóng mặt - hơn 60 USD/ounce (+1,8 triệu đồng/lượng), lên 2.371 USD/ounce. Dù vậy, với tốc độ tăng của vàng SJC những ngày qua, cách biệt giữa vàng trong nước và thế giới nới rộng lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng tăng sốc, người dân vẫn đổ xô đến trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để mua vàng miếng SJC trong khi các cửa hàng khác cũng như tiệm vàng nhỏ vắng vẻ vì đang khan hiếm loại vàng này. Tình trạng xếp hàng xuất hiện khi nhiều người phải chờ cả giờ để mua được 1 - 2 lượng vàng. Dù vậy, cũng có khá nhiều người đi bán vàng vì lo giá giảm trở lại.
Do nhu cầu tăng đột biến, một số thời điểm Công ty SJC tạm ngưng giao dịch hoặc giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1 lượng vàng miếng/ngày. Nếu mua vàng nhẫn trơn, mỗi khách hàng cũng chỉ được mua tối đa 3 chỉ/ngày thay vì 5 chỉ như trước.
Tại TP Hà Nội, sau 2 ngày mua bán nhộn nhịp, đến chiều 10-5, nhiều cửa hàng lớn ở phố vàng Trần Nhân Tông, Cầu Giấy đã thông báo hết vàng miếng SJC. Khách muốn mua vàng miếng phải thanh toán trước theo giá niêm yết tại thời điểm đó và nhận vàng sau 10 - 15 ngày. Như cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu ở phố Cầu Giấy thông báo chỉ nhận mua vào, dừng chiều bán ra. Khách hàng khi vào giao dịch sẽ được hỏi nhu cầu và từ chối ngay. "Hôm nay, cửa hàng đã hết vàng, chỉ nhận mua vào. Nếu khách có nhu cầu mua vàng trang sức thì vào xếp hàng chờ giao dịch" - nhân viên liên tục thông báo khi thấy khách hàng mới.
Trong khi đó, tại Trung tâm Vàng bạc Trang sức DOJI Cầu Giấy, nhân viên cho biết cửa hàng đã hết sạch vàng miếng và vàng nhẫn trơn. Khách hàng muốn mua vàng phải trả tiền trước theo giá chốt tại thời điểm mua và thời gian nhận vàng từ ngày 20 đến 25-5, tức phải chờ 10 - 15 ngày sau mới có. "Nhiều khách hàng bên em đã thanh toán và hẹn lấy vàng sau. Mình cứ chốt giá, thanh toán, sau đó đến nhận vàng theo ngày hẹn. Mình thanh toán rồi, vàng là của mình nên yên tâm. Sau ngày 25-5, anh chị muốn bán, bên em sẽ mua lại" - nhân viên vàng tại DOJI giải thích cho khách hàng.
Theo ghi nhận, dù được nhân viên báo hết vàng nhưng một khách hàng tên Minh Tùng vẫn quyết định xuống tiền đặt mua 36 lượng vàng miếng SJC và nhận giấy hẹn. Khi được hỏi có sợ rủi ro hay không khi quyết định đầu tư vàng ở thời điểm giá cao kỷ lục, ông Tùng nói: "Mua với mức giá cao như vậy cũng có rủi ro, nếu giá xuống thì phải chịu, còn tăng thì lãi lớn".
Ngược lại, tình hình giao dịch mua bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội và TP HCM ít nhộn nhịp hơn. Nhiều cửa hàng vắng khách trong ngày giá mua vào lên cao kỷ lục.
"Mặc kệ" vàng, được không?
Trước tình hình giá vàng tăng sốc bất chấp nỗ lực tổ chức đấu thầu bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) những tuần qua, nhiều ý kiến chuyên gia lẫn người dân băn khoăn phải chăng mục tiêu đấu thầu vàng không đạt được? Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển nhận định NHNN tổ chức đấu thầu nhưng nguồn cung từ kênh này không nhiều, bởi thực tế chỉ có 2 phiên đấu thầu thành công với khoảng 6.800 lượng vàng. "Đấu thầu vàng thực chất chỉ là giải pháp tình thế để tăng cung cho thị trường, không phải giải pháp lâu dài. Giá vàng trong nước đang chịu nhiều yếu tố tác động để tăng mạnh như: xu thế tăng của giá thế giới, các kênh đầu tư khác (gửi tiết kiệm và bất động sản) đều suy yếu nên dòng tiền dịch chuyển sang vàng trong khi nguồn cung vàng miếng hạn chế. Những yếu tố này khiến giá vàng tăng mạnh chứ không hẳn do kinh tế khó khăn hoặc sức ép lạm phát" - TS Hiển nói.
Một số ý kiến đặt vấn đề vì sao NHNN không nhập khẩu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu gia công vàng miếng SJC? PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng nhập khẩu vàng sẽ gây ra sức ép tỉ giá, tác động nhiều tới kinh tế vĩ mô nên NHNN phải ưu tiên ổn định tỉ giá hơn vàng. Thực tế, thời gian qua, giá vàng biến động mạnh nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Quan điểm này được TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên ĐH Bristol (Vương quốc Anh), ủng hộ. Ông chỉ ra 2 vấn đề cần bàn về thị trường vàng ở thời điểm này. Thứ nhất, giá vàng quốc tế dự báo còn tăng tiếp, có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Nếu giá vàng thế giới tăng lên mốc này, cộng với mức chênh lệch giá vàng SJC và thế giới đang khoảng 17 triệu đồng/lượng, vàng SJC có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng. Điều này NHNN không thể can thiệp được. Thứ hai, thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC với thế giới. Muốn vậy, có thể nhập vàng nguyên liệu, dập thành vàng miếng SJC và bán ra thị trường như nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu vàng nhiều sẽ tiêu tốn ngoại tệ. Dù doanh nghiệp đề xuất và cam kết không dùng dự trữ ngoại hối nhập vàng nhưng vẫn ảnh hưởng cung ngoại tệ trên thị trường.
Còn nếu chỉ cho nhập vàng giới hạn để không ảnh hưởng tỉ giá thì làm sao bảo đảm thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới như một số chuyên gia dự báo? Theo TS Hồ Quốc Tuấn, giải pháp này cũng sẽ nửa vời như đấu thầu vàng nhằm tăng cung nhưng lại giữ giá gọi thầu cao. "Quan trọng hơn, thị trường vàng từ nhiều năm nay dù biến động nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nên điều tiết như thế nào cần cân nhắc tới nguồn lực của ngân sách. Chỉ dùng nguồn lực để điều tiết khi có nhu cầu cấp thiết của chính sách tiền tệ, nhất là trong điều kiện dự trữ ngoại hối có giới hạn. Nếu tỉ giá căng thẳng sẽ ảnh hưởng lớn đến ổn định nền kinh tế vĩ mô" - TS Tuấn nêu quan điểm.
Cái gốc giá vàng SJC tăng nóng
Kết quả của 5 phiên đấu thầu vừa qua cho thấy giá vàng SJC trúng thầu rất cao - 81,3 triệu đồng/lượng và 86,05 triệu đồng/lượng. Các mức giá này luôn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 15 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp trúng thầu đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn khi chỉ trong hơn 3 tuần kể từ phiên đấu thầu thành công ngày 23-4 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng/lượng; còn nếu tính từ phiên 8-5, mức tăng cũng hơn 6,3 triệu đồng/lượng. Mục tiêu kéo giảm giá vàng trong nước, thu hẹp khoảng cách so với giá thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như vậy là chưa thành hiện thực.
Một số chuyên gia thị trường vàng nhận định trong bối cảnh người dân chen chân mua vàng, các doanh nghiệp đã trúng thầu vàng miếng SJC đương nhiên phải đẩy giá lên để kiếm lời. Còn người dân cứ nghĩ đấu thầu cao sẽ bán giá cao, tức họ kỳ vọng giá vàng SJC sẽ còn tăng nữa nên người có tiền thì đổ xô mua, người có vàng SJC lại không muốn bán. Cứ thế, giá vàng SJC liên tục tăng. Như thế, cái gốc của thị trường nằm ở chỗ khi sức mua chưa sụt giảm, vàng miếng SJC lại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu vàng với mức giá cao hơn giá vàng thế giới quá nhiều, làm cho khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt là NHNN có thể dừng đấu thầu vàng miếng SJC, mạnh dạn chuyển sang bán trực tiếp cho các doanh nghiệp theo từng đợt với số lượng nhỏ để thăm dò phản ứng thị trường. Mức giá hợp lý có thể cao hơn giá thế giới 5 triệu đồng/lượng. Đồng thời, NHNN quy định doanh nghiệp chỉ được bán cho người dân với giá không cao hơn 500.000 đồng/lượng so với mức giá đã mua từ NHNN. Khi đó, giá vàng SJC sẽ giảm mạnh, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Người dân thay vì đổ xô đi mua, họ sẽ ồ ạt mang vàng miếng SJC đi bán vì lo giá thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, NHNN có thể phải đối mặt rủi ro nếu giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh thì việc bán vàng sẽ làm "bốc hơi" nguồn tài chính quốc gia. Vì thế, biện pháp phòng ngừa mà NHNN cần tính đến là mời những người am hiểu về giao dịch vàng trên thị trường quốc tế, hỗ trợ mua vàng tài khoản nhằm bù đắp lại số vàng đã bán ra thị trường, như thế sẽ bảo đảm không bị thiệt hại khi giá vàng thế giới đi xuống.
Thy Thơ