Công nghệ

TSMC từng bàn về "chuyển nhà máy khỏi Đài Loan"

Tập đoàn TSMC ngày 5/6 cho biết những cuộc thảo luận liên quan đến chuyển nhà máy khỏi đảo Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển leo thang, nhưng không tiết lộ những khách hàng đề xuất phương án này.

Tuy nhiên, Chủ tịch TSMC C.C. Wei cũng thừa nhận công ty không thể di dời các nhà máy sản xuất chip bán dẫn khỏi Đài Loan, do 80-90% năng lực sản xuất của tập đoàn đang tập trung trên hòn đảo. Ông nói thêm rằng TSMC cũng đã đối thoại với OpenAI về vấn đề cung ứng chip AI, nhưng CEO Sam Altman "quá hiếu thắng" và không bình luận thêm.

Logo TSMC tại khu công nghiệp ở phía nam đảo Đài Loan hồi cuối năm 2022. Ảnh: Reuters

Logo TSMC tại khu công nghiệp ở phía nam đảo Đài Loan hồi cuối năm 2022. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin am hiểu vấn đề nói Altman năm ngoái đã thảo luận khả năng hợp tác với TSMC để xây dựng hơn 30 nhà máy nhằm bảo đảm nguồn cung chip bán dẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển của OpenAI. "Cuộc đối thoại diễn ra thân mật, nhưng những người đứng đầu TSMC cho rằng số lượng Altman đề xuất quá lớn và lo ngại họ không thể vận hành loạt nhà máy với công suất trên 80%", nguồn tin nói.

Chưa rõ liệu TSMC và Sam Altman có đề cập khả năng xây dựng nhà máy ngoài đảo Đài Loan hay không.

Bất chấp căng thẳng hai bờ eo biển, việc tác động tới chuỗi cung ứng chip bán dẫn gần như không được nhắc đến tại triển lãm Computex, diễn ra ngày 3-7/6 ở Đài Bắc. "Chưa ai lo lắng về điều đó", Frank Huang, Chủ tịch Powerchip Semiconductor Manufacturing nói khi các phóng viên hỏi liệu khách hàng nước ngoài có gây áp lực để các công ty Đài Loan chuyển dịch nhà máy khỏi hòn đảo hay không.

CEO AMD Lisa Su cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đảo Đài Loan với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. "Rất nhiều sản phẩm của chúng tôi được chế tạo tại đây với sự tham gia của các nhà cung ứng then chốt như TSMC", bà nói.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sử dụng các biện pháp để thống nhất hòn đảo. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để thu hồi hòn đảo, dù chủ trương chung vẫn là đối thoại và thống nhất trong hòa bình.

(Theo Reuters)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm