Bên lề sự kiện, chị Nguyễn Thị Nhung, một trong những nhà sáng lập thương hiệu Hanoia đã chia sẻ về dự án hợp tác này.
Cơ duyên nào đã mang đến cuộc hội ngộ giữa Hanoia và Gilles Jonemann?
Làm việc cùng Gilles Jonemann trong dự án New Look New Laque của Hanoia
Với Hanoia, đây là một cơ duyên thật đẹp. Vài năm trước, chúng tôi đã gặp gỡ người đại diện xưởng Petit h của gia đình Hermès tại xưởng Bình Dương, Thiên Hồng, nơi chế tác các phụ kiện bằng sừng trâu và sơn mài cho thương hiệu này. Một trong những giá trị cốt lõi của Hermès là tôn vinh các giá trị bền vững. Họ gom mọi nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất, tập kết tại xưởng Petit h và hợp tác với các nghệ sĩ trên thế giới để biến chúng trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi rất ngưỡng mộ ý tưởng này của Hermès bởi phát triển bền vững cũng là một trong những mục tiêu mà Hanoia mong muốn theo đuổi đến cùng. Vì vậy, Hermès đã kết nối chúng tôi với Gilles Jonemann, người đặt nền móng cho các dự án phát triển bền vững của xưởng Petit h kể từ năm 2007. Dự án hợp tác đầu tiên giữa Hanoia và Gilles Jonemann dự kiến ra mắt vào năm 2020 nhưng do Covid-19 nên đã lùi lại tới ngày hôm nay.
Điều gì khiến chị ấn tượng nhất ở Gilles Jonemann?
Tôi nhớ lần đầu tiên tới thăm ngôi nhà của Gilles Jonemann tại một miền quê phía Nam nước Pháp. Khi hai vợ chồng nghệ sĩ dẫn tôi xuống căn xưởng nhỏ ở tầng hầm, tôi đã thực sự ngạc nhiên. Trong trí tưởng tượng của tôi, các xưởng làm việc của nghệ sĩ thường bề bộn đồ vật và dụng cụ.
Nhưng Gilles Jonemann lại sắp xếp căn xưởng của ông vô cùng gọn gàng và ngăn nắp, mọi đồ vật đều được đặt đúng chỗ và theo một tỉ lệ hài hòa, đẹp mắt. Ông quả là một nghệ sĩ có con mắt sáng tạo và đôi bàn tay vàng. Và chúng tôi đã rất hứng khởi khi ông chia sẻ về dự án gắn kết các sản phẩm trẻ trung, tươi mới và đương đại của Hanoia với những mảnh ghép mang giá trị thời gian nhằm cho ra đời những tác phẩm có tính nghệ thuật cao.
Trong số 24 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, chị yêu thích nhất tác phẩm nào? Tại sao?
Tác phẩm Le Temps (Thời gian)
Chúng tôi đã làm việc với Gilles Jonemann trong một thời gian dài, nhưng khi được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông, chúng tôi đều vô cùng xúc động. Cảm giác thật diệu kỳ. 24 tác phẩm trùng lặp với yếu tố thời gian 24 giờ trong ngày và tất cả đều gợi nên trong tôi những cảm xúc đẹp. Ví dụ, Le Repos là sự kết hợp giữa một sản phẩm đơn giản và hiện đại của Hanoia và một miếng gốm mang sắc màu thời gian theo một tỉ lệ khiến tôi liên tưởng đến dáng nằm nghỉ ngơi của một người nào đó.
Rất tình cờ cái tên Le Repos mà nghệ sĩ đặt cho tác phẩm, trong tiếng Pháp cũng có nghĩa là sự nghỉ ngơi. Một tác phẩm khác tôi thấy cũng rất tuyệt vời. Nghệ sĩ gọi tên là L’Archéologie (Khảo cổ học) bởi các lọ thuốc cũ bằng sứ được sắp xếp trên đĩa tráng sơn mài theo một bố cục giống như nhà khảo cổ học đang đào bới hiện vật. Nhưng tôi thích cái tên Le Temps (Thời gian) hơn vì đó cũng chính là các dấu tích thời gian, nhắc chúng ta hãy trân quý từng giây phút chúng ta đang sống.
Từ góc nhìn của người sáng lập, chị có thể phác thảo chân dung Hanoia từ ngày đầu thành lập và sự chuyển biến diệu kỳ trong thời gian qua?
Hanoia qua từng giai đoạn phát triển
Hanoia là một cái tên rất trẻ. Chúng tôi đã bắt tay vào làm sơn mài với đầy lòng hứng khởi bởi chúng tôi tin rằng mình có nhiều cơ hội thành công. Trên thực tế, chúng tôi có một lực lượng nghệ nhân tay nghề cao và giàu kinh nghiệm. Nhưng khi sản xuất đơn hàng cho các thương hiệu thời trang uy tín trên thế giới, chúng tôi hiểu rằng mình cần phải học hỏi rất nhiều. Tiêu chuẩn chất lượng của họ vô cùng khắt khe và nghiêm ngặt. Nhiều lỗi sản phẩm không thể nhìn bằng mắt thường mà chỉ khi treo dưới "ánh sáng phương Bắc" mới phát hiện ra. Nhờ quá trình làm việc với họ chúng tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Bên cạnh đó, Hanoia còn có một đội ngũ thiết kế tài năng trong và ngoài nước. Trước đây, Giám đốc Nghệ thuật của Hanoia là người nước ngoài và trú tại Paris. Gần đây, Hanoia đã có một thay đổi lớn khi chọn Giám đốc Nghệ thuật là một nhà thiết kế trẻ Việt Nam. Đây là một hướng đi mới của Hanoia nhằm khẳng định chúng tôi là một thương hiệu made in Vietnam, mong muốn dựa vào tài năng của các bạn trẻ Việt Nam để tạo nên các kỳ tích mới. Dự án hợp tác với một nghệ sĩ lớn như Gilles Jonemann cũng mang đến cho các nhà thiết kế Hanoia cơ hội trau dồi bản thân. Trong tương lai, Hanoia sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều dự án hợp tác hơn nữa để không ngừng mở mang kiến thức và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm mới.
Chị mong muốn gì cho Hanoia trong vòng 5-10 năm tới?
Con trâu Hanoia đã có mặt tại một ngôi nhà nước Ý
Mơ ước thì rất nhiều. Ví dụ như giấc mơ xuất khẩu các sản phẩm Hanoia ra thế giới. Giấc mơ xây dựng giá trị bền vững trở thành thế mạnh thương mại của Hanoia... Trong sâu xa, chúng tôi luôn mong muốn làm chiếc cầu nối xúc tác về văn hóa và nghệ thuật giữa Việt Nam với Pháp và các nước châu Âu. Chúng tôi sẽ làm hết mình để người yêu cái đẹp trong nước có cơ hội nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật nước ngoài và ngược lại các tác phẩm nghệ thuật trong nước cũng sẽ có mặt ở các nước láng giềng và thậm chí sang tận châu Âu.
Xin cám ơn chị!