Tài chính

Ngân hàng Nhà nước “rắn”, giá USD liên ngân hàng rơi

Ngày 25/11, lần thứ ba liên tiếp Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán ra USD. Như hai lần trước, mức giảm chỉ 10 VND nhưng nối dài tính thông điệp bình ổn và từng bước hạ nhiệt tỷ giá.

Qua ba lần giảm liên tiếp, giá USD bán ra của Ngân hàng Nhà nước còn 24.840 VND, vừa thấp đi vừa nằm dưới mức trần biên độ (24.850 VND). Theo đó, thông điệp trên tiếp tục khẳng định Nhà điều hành sẽ bán với mức mềm hơn giá trần trên thị trường, nếu cần.

Sau hai lần hạ giá bán trước đó, thị trường làm dần quen với tín hiệu của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì trạng thái sát hoặc kịch trần biên độ; giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng thậm chí có thời điểm vượt cao hơn mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước.

Song, như trên, Nhà điều hành vẫn kiên định và tiếp tục "rắn" với thông điệp bình ổn. Và lần này, thị trường có phản ứng động thuận một cách rõ rệt.

Cụ thể, cũng trong ngày 25/11, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh. Sau khi giảm 12 VND ở phiên liền trước, giá USD giao ngay ở đây vừa tiếp tục có phiên giảm tới 0,28%, từ 24.840 xuống hẳn 24.770 VND.

Theo đó, khép lại tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới hơn 80 VND và đặc biệt là đã nằm sâu dưới mức 24.840 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết bán ra.

Với diễn biến trên, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường và qua hệ thống ngân hàng vẫn hoàn toàn tự điều tiết và cân đối, cân đối sâu dưới mức mà có thể cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cung.

Một diễn biến cùng chiều, từ bên ngoài, chỉ số USD Index cũng vừa có tuần suy giảm khi chỉ còn quanh 106 điểm; xa hơn một chút thì chỉ số này đã giảm rất mạnh sau khi tăng tiếp cận mốc 115 điểm chỉ vài tháng trước. Thị trường quốc tế cũng đang thắp kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ dần tốc độ tăng lãi suất các kỳ tới.

Một cân đối khác cũng hỗ trợ, lãi suất VND tiếp tục tăng cao trên thị trường huy động với dân cư và tổ chức, cũng như tăng mạnh trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến này khiến chênh lệch lãi suất tiếp tục cao vượt trội cho lợi thế nắm VND thay vì USD.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động VND có xu hướng dồn tăng thêm vào thời điểm cuối năm, các mức cao hiện đã ghi nhận quanh 10%/năm, tập trung ở các kỳ hạn dài; trong khi đó lãi suất huy động USD tại Việt Nam vẫn đang có trần 0%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng liên tiếp tăng lên trong tuần qua. Điển hình ở lãi suất qua đêm hiện đã áp sát mốc 6%/năm, trong khi hơn một tuần trước đó chỉ quanh 4,3%/năm. Đáng chú ý, lãi suất VND các kỳ hạn từ 2 tháng đến 1 năm trên thị trường liên ngân hàng hiện đều ở mức rất cao, từ 8% đến 8,7%/năm, tạo chênh lệch rất vượt trội so với lãi suất USD trên cùng thị trường (từ 4,6% đến 5,3%/năm cùng dãy kỳ hạn đối ứng).

Như vậy, trên các thị trường, lãi suất VND tiếp tục chênh cao vượt trội so với lãi suất USD, tạo lợi thế nắm giữ VND so với USD. Chênh lệch này hiện càng có sức nặng đối với vấn đề tỷ giá, khi mà mức độ biến động (đã được phản ánh) của tỷ giá USD/VND hiện đã quanh 9% cả so với cùng kỳ 2021 cũng như so với đầu năm 2022.

Theo đó, nắm hoặc chuyển đổi sang VND có lãi suất rất cao hiện nay có tiềm năng lợi ích vượt trội so với nắm USD (với dân cư lãi suất vẫn 0%), trong khi biến động tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau quãng tăng mạnh đã thể hiện.

Bên cạnh những chuyển động và cân đối trên, thực tế thị trường vừa và đang tiếp tục có những nguồn cung ngoại tệ mới đáng chú ý từ các nguồn tài trợ, vay thương mại quốc tế đổ về. Nguồn cung này chưa dừng lại, dự kiến sẽ tiếp tục có những khoản lớn cụ thể hóa trong tháng 12 sắp tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm