Phong cách sống

Tiêu tiền như nước rồi lại khóc than "sao mình nghèo vậy": Lối mòn này, làm sao để thoát ra?

TIN MỚI

Bất lực trong việc kiểm soát chi tiêu, khiến mục tiêu tiết kiệm mãi là thứ nằm trong suy nghĩ chứ chẳng thể thành hiện thực. Đây là tình trạng chung của không ít người, đặc biệt là người trẻ. Kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy và tặc lưỡi “thôi để tháng sau bắt đầu”, đúng chứ?

Thói quen trì hoãn luôn là kẻ thủ lớn nhất của chúng ta, trong tất cả mọi việc chứ không riêng gì chuyện quản lý chi tiêu, nghiêm túc tiết kiệm.

Tiêu tiền như nước rồi lại khóc than

Ảnh minh họa

Nhìn nhận thực trạng này, Charles Chaffin - Nhà sáng lập Viện Tâm lý Tài chính, đồng thời là Giáo sư tại Đại học Bang Iowa iáo (Mỹ) cho biết: “Nếu bạn muốn đưa ra những quyết định tốt hơn trong chi tiêu nhưng lại cảm thấy mình đang mắc kẹt trong lối mòn trì hoãn, đừng tự trách móc mình. Tự dằn vặt là điều vô nghĩa” .

Charles Chaffin nhấn mạnh rằng việc than thân trách phận hay đổ lỗi cho các yếu tố ngoại cảnh như kinh tế suy thoái, làn sóng sa thải, thị trường việc làm không sôi động,... chỉ khiến bạn lãng phí thời gian chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, ông khuyến khích bạn hành động vì đây là cách duy nhất để thay đổi cục diện tài chính của mỗi cá nhân.

Theo vị Giáo sư, chuyên gia Tâm lý Tài chính này, có 2 cách cực đơn giản để chấm dứt thói quen chi tiêu vô tội vạ.

1 - Đặt bản thân vào trạng thái không thể tiêu tiền

Từ góc nhìn của Charles Chaffin, cách đơn giản nhất để một người chấm dứt thói quen chi tiêu vô tội vạ chính là: Đặt họ vào trạng thái không thể tiêu những đồng tiền do chính mình kiếm ra. Nhưng mà bằng cách nào?

Câu trả lời mà Charles Chaffin đưa ra gói gọn 5 từ: Tiết kiệm tự động.

Tiêu tiền như nước rồi lại khóc than

Ảnh minh họa

“Tôi tin rằng tất cả mọi người đều đang sử dụng ít nhất 1 tài khoản ngân hàng và dù bạn đang sống ở bất cứ đâu, miễn là bạn có cài đặt ứng dụng e-bank trong điện thoại, bạn có thể cài đặt chế độ tiết kiệm tự động. Và sau đó, bạn sẽ chẳng thể bội chi được nữa. Thói quen chi tiêu sẽ dần vào guồng, ổn định hơn sau khi bạn làm việc này”

Ở thời đại này, ngay cả việc đầu tư chứng khoán hay chứng chỉ quỹ còn có thể cài đặt tự động, không lý gì việc tiết kiệm lại không. Charles Chaffin khuyên bạn nên chọn hình thức tiết kiệm tự động không cho phép rút tiền trước hạn, bởi nếu không, rất có thể bạn sẽ không kiểm soát được ham muốn tiêu tiền mà “động” vào khoản tiền lẽ ra nên dùng để tiết kiệm.

“Ngoài việc tiết kiệm tự động, hãy cân nhắc việc gỡ liên kết thẻ tín dụng khỏi các ứng dụng mua sắm online, ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt cũng là cách hữu hiệu để bạn nhận ra mình đang tiêu hoang đến mức nào” - Charles Chaffin chia sẻ thêm một bí quyết nhỏ có thể giúp mọi người kiểm soát ham muốn mua sắm.

2 - Đặt mục tiêu tiết kiệm cụ thể

Charles Chaffin cho rằng việc đặt mục tiêu tiết kiệm quá chung chung là lỗi sai mà nhiều người mắc phải, khiến bản thân họ không có đủ động lực tiết kiệm. Ông gợi ý mọi người nên đặt mục tiêu cụ thể, trước mắt là trong ngắn hạn cho khoản tiết kiệm của mình. Sau đó, điều quan trọng tiếp theo chính là không được phép quên đi mục tiêu đã đặt ra.

Tiêu tiền như nước rồi lại khóc than

Ảnh minh họa

“Không có mục tiêu tiết kiệm, tất cả số tiền bạn dành dụm được sẽ trở nên vô nghĩa và có thể “bay” khỏi tay bạn bất cứ lúc nào. Nỗ lực tiết kiệm mà không có mục tiêu rõ ràng cũng giống như việc bạn cứ miệt mài chạy mà không biết mình đang chạy đi đâu vậy.

Mục tiêu của bạn càng cụ thể, bạn càng có nhiều động lực để cán đích. Tôi ví dụ thế này: Bạn nói rằng bạn cần tiết kiệm 5000 USD và khi đi được nửa chặng đường, bạn lại chợt cảm thấy 2500 USD mình đang có là đủ rồi, và chẳng tiết kiệm thêm nữa. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu phải tiết kiệm được 5000 USD để tới Hawaii vào cuối năm nay, bạn sẽ không dừng lại khi số dư tài khoản tiết kiệm của bạn chưa có đủ chừng đó tiền” - Charles Chaffin phân tích.

Bên cạnh việc đặt mục tiêu tiết kiệm rõ ràng, Charles Chaffin cũng khuyên bạn nên nghiêm túc nhìn nhận và thừa nhận những khoản chi phi lý của bản thân, vì đó cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

“Muốn sửa sai, đầu tiên là phải thừa nhận mình đã sai và tiếp đó là tìm xem mình đã sai ở đâu. Chuyện chi tiêu hay tiết kiệm cũng tương tự. Bạn không thể giải quyết vấn đề và khiến tình hình tài chính của bản thân khởi sắc hơn với sự cố chấp “mọi khoản chi của tôi đều hợp lý”.

Số tiền nhàn rỗi bạn đang có và số dư trong tài khoản tiết kiệm mới là bằng chứng đanh thép nhất cho sức khỏe tài chính của bạn” - Charles Chaffin nhấn mạnh.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm