“Cú đấm bồi” của FTX
Sự sụp đổ bất ngờ của FTX - sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới vào đầu tháng này đã giáng một đòn mạnh vào thế giới tiền điện tử. Sư lây lan dường như lan rộng khắp hệ sinh thái với việc công ty cho vay tiền điện tử BlockFi sắp phá sản, còn các sàn giao dịch như Crypto.com và Binance phát đi tuyên bố đảm bảo với nhà đầu tư rằng họ sẽ không bị sụp đổ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ “thời khắc Lehman Brothers ” của tiền điện tử đã đến...
Được thúc đẩy bởi những chấn động trước đó, như sự cố stablecoin Terra Luna và ngân hàng tiền điện tử Celsius Network, cuộc khủng hoảng này đã khiến mùa đông tiền điện tử năm 2022 không chỉ kéo dài mà còn đóng băng sâu hơn. Theo đánh giá, cuộc khủng hoảng đã xóa sạch hơn 2.000 tỷ USD khỏi thị trường tiền điện tử toàn cầu trong 12 tháng qua.
Sau những gì đã được tiết lộ về mức độ nghiêm trọng từ lỗ hổng tài chính trong đế chế tiền điện tử FTX, sàn giao dịch này chỉ có 900 triệu đô la Mỹ tài sản lưu động, so với 9 tỷ đô la nợ phải trả ngay trước khi nó sụp đổ.
Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về hoàn cảnh dẫn đến sự sụp đổ của FTX, nhưng việc quản trị và kiểm soát tài chính của người đứng đầu bị đánh giá là yếu kém một cách đáng kinh ngạc. Cụ thể, FTX đã cho vay hàng tỷ USD tài sản của khách hàng, để tài trợ cho các vụ cá cược đầy rủi ro thuộc công ty thương mại độc quyền của CEO FTX - Alameda Research, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của doanh nghiệp.
Hiện tại, dư âm của cuộc khủng hoảng FTX chỉ mới bắt đầu. Thiệt hại về uy tín đối với tiền điện tử, nhất là việc áp dụng thể chế đối với tài sản kỹ thuật số là rất quan trọng trong khi phạm vi lây lan tài chính ngày càng mạnh mẽ.
Trước đó, các nhà đầu tư không hiểu rõ rằng FTX là một “quả bom” hẹn giờ. Sự dư thừa tài chính đã góp phần vào sự sụp đổ, với tăng trưởng nhanh chóng do đòn bẩy, đầu tư liều lĩnh và thua lỗ nặng nề chắc chắn sẽ quay trở lại khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc, đặt tài chính của các công ty và quốc gia dưới sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều.
Có thể thấy, sự sụp đổ của FTX là “quả bom” tài chính lớn thứ ba nổ ra kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ vào tháng 6. Đây cũng là điều dễ dự đoán nhất do sự bùng nổ trong không gian tiền điện tử vào đầu năm nay, góp phần khiến giá Bitcoin, đồng tiền điện tử thống trị giảm 73% kể từ mức đỉnh vào tháng 11/2021.
Một chuyên gia về Fintech cho hay, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có một nguyên tắc tối quan trọng được quy định rất chặt chẽ trong các văn bản pháp lý là "nếu một tổ chức cầm/quản lý tiền của khách hàng, tổ chức đó phải tách bạch giữa tiền của công ty, tiền của khách hàng và không được phép sử dụng tiền của khách hàng vào mục đích khác mục đích đã thỏa thuận ban đầu".
Trong các trường hợp được cầm tiền của khách hàng vào mục đích đầu tư, kinh doanh (như các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư) thì luôn phải có các biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro rất chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
“Đây cũng là bài học lớn cho các nhà đầu tư và các quỹ. Công nghệ hay mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo không phải là tất cả trong điều hành một doanh nghiệp, mà còn phải tôn trọng các nguyên tắc, lý thuyết về quản trị tài chính "truyền thống". Hậu quả là một thế hệ những công ty có mô hình kinh doanh ấu trĩ hoặc lừa đảo giống như ông chủ của FTX này, vị chuyên gia nói.
Đau đầu các nhà lập pháp
Tại Hội nghị thượng đỉnh V20 tuần vừa qua ở Bali, Indonesia - một sự kiện chính thức của G20 và là cuộc đối thoại cấp cao nhất của ngành quản lý ngành công nghiệp tiền điện tử , các đại biểu đã phải đau đầu với những gì đang diễn ra.
Việc không có luật rõ ràng đã cho phép các nền tảng không rõ ràng, sử dụng đòn bẩy quá mức như FTX biến thành trụ cột của ngành công nghiệp phi tập trung
Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Mark Pesce nói trong bài phát biểu khai mạc của mình rằng: “Ngành công nghiệp mới nổi sau FTX hy vọng sẽ không giống với ngành đã tồn tại trước FTX. Điều đó đơn giản là không được phép, cả vì lý do chính trị lẫn tài chính. Chúng ta đang ở trên một chặng đường rất khó khăn”.
Sự cấp bách để tăng cường giám sát tiền điện tử đang được xây dựng. Tuy nhiên, bất chấp các đề xuất chính sách từ những cơ quan trong ngành và nỗ lực của các nhà thiết lập tiêu chuẩn quốc tế để hướng dẫn các chính phủ, quy định hiệu quả đã bị cản trở ở những nơi nó thực sự quan trọng. Mặc dù có một số nhà lãnh đạo đã chú ý đến lĩnh vực này như Singapore hay Thụy Sĩ, nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa đưa ra khung pháp lý hoàn chỉnh cho tài sản kỹ thuật số.
Việc không có luật rõ ràng đã cho phép các nền tảng không rõ ràng, sử dụng đòn bẩy quá mức như FTX biến thành trụ cột của ngành công nghiệp phi tập trung. Giờ đây, khi nền tảng kém chất lượng của chúng bắt đầu sụp đổ, chúng gây ra rủi ro mang tính hệ thống đối với toàn bộ hệ sinh thái. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế giữa các quốc gia không chỉ chậm chạp mà còn rất rời rạc.
Loretta Joseph, người đã tư vấn cho một số quốc gia về việc quản lý tài sản ảo với tư cách là Phó Chủ tịch của Nhóm tư vấn toàn cầu ADC cho biết: “Chúng tôi cần làm rõ và thống nhất về mặt pháp lý đối với các định nghĩa, một thuật ngữ tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó sẽ có ý tưởng tốt hơn về cách tiến hành”.
Việc làm rõ các điều khoản này phải là một ưu tiên, đặc biệt là hiện nay khi các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế khác, như Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) đang bước vào cuộc cạnh tranh.
Các quan chức của FSB nói tại Hội nghị V20 rằng, cuộc khủng hoảng FTX cho đến nay vẫn chưa đe dọa đến sự ổn định trong hệ thống tài chính rộng lớn hơn, nhưng vai trò ngày càng tăng của tiền điện tử có nghĩa là các sự kiện tương tự trong tương lai gần có thể gây ra rủi ro hệ thống.
FSB đã đưa ra một tài liệu tư vấn vào tháng trước phác thảo 9 khuyến nghị dựa trên nguyên tắc “cùng một hoạt động, cùng một rủi ro, cùng một quy định”, báo hiệu ý định áp dụng các tiêu chuẩn tương tự được sử dụng trong tài chính truyền thống cho tiền điện tử. Cơ quan này hiện đang thu thập ý kiến phản hồi và đặt mục tiêu hoàn thiện các tiêu chuẩn này tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm tới ở New Delhi và bắt đầu xem xét việc triển khai trên toàn thế giới vào năm 2025.
Trong khi đó, Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế, cơ quan quản lý chứng khoán toàn cầu, cũng đã thành lập một lực lượng giám sát cho thị trường tiền điện tử trong năm nay, với các khuyến nghị chính sách vào cuối năm 2023. Nhiệm vụ của họ bao gồm bảo vệ các nhà đầu tư khỏi mất mát tài sản trong các sự kiện như sự sụp đổ của FTX, hiện đã ảnh hưởng đến khoảng một triệu chủ nợ.
Tuy nhiên, nếu các tổ chức này gặp phải những rào cản thì có thể phải mất nhiều năm nữa các hướng dẫn về sự ổn định và bảo vệ nhà đầu tư mới được áp dụng rộng rãi. Chắc chắn hệ sinh thái sẽ không thể tồn tại lâu nếu không có các biện pháp bảo vệ thích hợp.