Tiết kiệm không phải là điều dễ dàng, đặc biệt với người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, khi còn là sinh viên vẫn được gia đình hỗ trợ hay mới ra trường thu nhập chưa ổn định, tích lũy một khoản tiền trăm triệu rất khó để có thể đạt được.
Song, với Thu Trà, 23 tuổi, hiện đang làm truyền thông ở Hà Nội, thực tế lại khác biệt. Hiện nay, khoản tiết kiệm của cô bạn đang dao động trong khoảng 80 - 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa - Pexels
Có thói quen tiết kiệm từ thời đại học
Thu Trà chia sẻ rằng bản thân đã có thói quen tiết kiệm từ thời đại học. Tuy nhiên, do sống cùng gia đình và lịch học khá dày đặc, đến năm 3 cô bạn mới bắt đầu đi làm và có thể dành dụm nhiều hơn.
Vào khoảng thời gian đó, mỗi tháng tiết kiệm cỡ 1-2 triệu, đủ để đi du lịch 1-2 lần/năm. Sau khi đi làm chính thức một thời gian, số tiền tiết kiệm được sau khi trừ đi những khoản đầu tư lớn như điện thoại, máy tính dao động khoảng 80-100 triệu đồng.
Cô bạn bắt đầu đi làm đến nay đã được khoảng 2 năm. “Do sống với bố mẹ, mình cũng đỡ phần nào chi phí chẳng hạn nhà cửa hay ăn uống. Có những tháng mình tiết kiệm được 50-70% lương thực nhận. Mình tiết kiệm từ khi bắt đầu có thu nhập, dù là thu nhập nhiều hay ít, mình vẫn luôn cố gắng để ra 1 khoản vào quỹ tích trữ cá nhân".
Ảnh minh họa - Pinterest
Theo cô bạn, để tiết kiệm, cần chú trọng 2 điều đó là quản lý chi tiêu và phân chia thu nhập thành các phần khác nhau. Sau khi có thu nhập ổn định toàn thời gian, cô thường dành 50% thu nhập vào quỹ tích trữ, tiêu 30% cho những nhu cầu hàng ngày như ăn uống, cà phê, hẹn hò. Bên cạnh đó, 10% cho những món quà, tiền mừng các dịp quan trọng và 10% còn lại để mua sắm hoặc hưởng thụ các nhu cầu khác.
“Đi làm thường sẽ đi tụ tập với đồng nghiệp như là 1 cách để gắn kết hơn. Song, không phải với lần rủ nào, mình cũng đi. Thông thường mình sẽ xem xét coi ngân sách dành ra cho đi ăn tháng đó còn bao nhiêu và mình còn có những chiếc hẹn quan trọng nào không. Từ đó, mình mới quyết định về tần suất đi ăn ngoài của bản thân".
Thu Trà cũng chia sẻ rằng đi làm khá áp lực, cô bạn không muốn căng thẳng hơn về mặt tài chính, do vậy cũng thường sẽ tự thưởng cho bản thân. Đó là lý do tại sao cô trích 10% cho khoản mục này xem như đó là động lực để nỗ lực hơn.
Tiết kiệm nhiều hơn không phụ thuộc hoàn toàn vào việc tăng thu nhập
Thu Trà chia sẻ rằng có thể tiết kiệm nhiều hơn dù thu nhập không tăng miễn là có ý thức trong câu chuyện tích luỹ. Vì thực ra nếu kiếm được nhiều hơn, mức sống và nhu cầu hưởng thụ cũng cao hơn nên chưa chắc thu nhập cao sẽ đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nhiều. Dù vậy, thu nhập cao sẽ giúp mọi người có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiết kiệm và đầu tư "tiền đẻ ra tiền".
Ảnh minh họa - Pinterest
Bên cạnh đó, trong câu chuyện hiện nay, nhiều người trẻ chấp nhận chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm kể cả không có tiết kiệm. Thu Trà cho rằng đây là quyền tự do của mọi người. “Dù vậy, sau khi trải qua dịch Covid-19 và có những biến động trong kinh tế chẳng hạn bão giá, mình nghĩ nên ưu tiên có khoản tiết kiệm.Tính xa hơn, nếu bạn trải nghiệm xong rồi mà thành người trắng tay, khi gặp khó khăn những “trải nghiệm” đó có giúp đỡ bạn trong những nhu cầu thiết yếu nhất hay không?”
Theo Thu Trà, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa được cao, cũng nên có thói quen tiết kiệm dù chỉ là 10-20% thu nhập. Đồng thời, mọi người cũng không nên quá áp lực với việc phải tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong tài khoản so với bạn bè cùng lứa, quan trọng là bạn học được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.