Trong miền Nam, đặc biệt là ở lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp, không ai là không biết đến bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cùng doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan và ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Vinamit.
Những ‘ông bà đỡ’ nói trên, không chỉ giúp các startup khởi nghiệp nông nghiệp về mặt tài chính, mối quan hệ, marketing mà cả những lời khuyên nhủ - chia sẻ kinh nghiệm quý báu. Không ngoa khi bảo họ chính là những mentor toàn năng. Đặc biệt nhất, họ không kiểu làm theo phong trào mà luôn cố gắng tạo ra những cách thức hỗ trợ thực tế và sát sườn, những kết quả thực chất trong khả năng cho phép.
“ Trong thời gian gần đây, học tập cách thức từ các nước láng giềng, chúng tôi luôn tìm mọi cách làm sao hỗ trợ doanh nghiệp tại miền Nam, đạt được hết tiêu chuẩn của đối tác, để thành công xuất khẩu sang châu Âu, cho dù phải tốn rất nhiều thời gian.
Theo đó, chúng tôi vừa cố gặp kè người mua hàng để họ có kiên nhẫn chờ đợi DN Việt, vừa đốc thúc – hỗ trợ DN Việt thay đổi nhiều thứ phù hợp xuất khẩu châu Âu. Tháng này có thể thay đổi bao bì, tháng kia lấy chứng nhận tiêu chuẩn, tháng kìa đầu tư máy móc… ”, bà Vũ Kim Hạnh tiết lộ.
Bà cũng kể một trường hợp cụ thể: Cách đây chưa lâu, BSA và Hội HVNCLC đã kết nối một DN sản xuất nông sản ở Bến Tre gặp một nhà mua hàng đến từ châu Âu. Đối tác đến từ châu Âu thấy tất cả các khía cạnh của sản phẩm đều ổn, trừ giá cả. Giá sản phẩm của DN Bến Tre đang cao hơn thị trường chung nên không thể cạnh tranh được với đối thủ đến từ Trung Quốc.
Rồi vì vấn đề này, cả hai gặp gỡ nhiều lần nhưng vẫn không ra được kết quả cụ thể, khiến DN đến từ Bến Tre khá nản lòng. Đại diện DN đó nói với bà Vũ Kim Hạnh là ‘em quá mệt mỏi và muốn đi bán hàng ở nơi khác, không muốn tiếp tục điều đình với đối tác đến từ châu Âu đó nữa’.
“ Mặc dù chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn của DN, vì họ đã đeo đuổi đối tác gần 1 năm, nhưng vẫn phải động viên DN hãy tiếp tục, không chỉ bởi tất cả đã bỏ công sức rất nhiều mà còn bởi chúng tôi muốn đi đến cùng, để có kinh nghiệm giúp nhiều DN khác tốt hơn. Phương án cuối cùng mà 3 bên đưa ra là: DN sẽ thay đổi 1 thành phần nguyên liệu trong sản phẩm để giảm giá thành - bằng với giá thị trường thế giới ”, Giám đốc BSA kể.
Cũng như thế, tại Mekong Connect 2022, thay vì mời rất nhiều nhà mua hàng khắp thế giới thì họ chỉ mời những đối tác đến từ Úc và Hà Lan. Đầu tiên là vì đang sẵn tiện có 2 đoàn doanh nhân từ Úc – Hà Lan qua Việt Nam tìm hiểu thị trường mới đây; thứ hai, thời gian chỉ có 1 ngày, không thể làm quá nhiều thị trường.
Để tiết kiệm thời gian, tăng tỷ lệ ký kết hợp tác và tạo ra kết quả thực chất, BSA cùng Hội HVNCLC đã hỏi những mong muốn - yêu cầu của từng DN Hà Lan/Úc sau đó về nhà tìm các DN Việt phù hợp với những tiêu chuẩn đó, rồi kết nối cả hai với nhau. Nói chung, họ muốn làm cái gì thì chắc cái đó và vẫn đeo đuổi mục tiêu đề ra - giúp DN Việt xuất khẩu đến các thị trường khó tính, dù lâu.
Ở khía cạnh khác, sắp tới, BSA và Hội HVNCLC cộng sự trợ giúp từ doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan và ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Vinamit; sẽ mở trung tâm sản xuất thử sản phẩm cho các startup.
Cũng theo bà Nguyễn Kim Hạnh, bà đã gặp ít nhất 4 đến 5 bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay nhưng không triển khai được ý tưởng đó; hoặc triển khai rồi, nhưng khi đưa sản phẩm vào thị trường thì khá bếp bênh. Nguyên nhân của sự bấp bênh đó, là bởi các Nhà sáng lập chưa chuẩn hóa được sản phẩm hoặc sản phẩm/dịch vụ chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Ở Thái Lan, để giải quyết những vấn đề nói trên cho startup, nước này đã thành lập các trung tâm có chức năng sản xuất thử các sản phẩm cho SMEs (có thu phí nhưng không đáng kể). Quy trình làm việc của họ thế này: khi một Nhà sáng lập muốn sản xuất xe đạp tiếc kiệm năng lượng – nhiên liệu, nhưng vì không đủ điều kiện làm việc đó, họ sẽ tới nhờ trung tâm này.
Sau đó, trung tâm sẽ đi điều tra thị trường, cách thức sản xuất rồi sản xuất ra những chiếc xe đạp đầu tiên. Tiếp theo, họ dùng những chiếc xe đạp đó để thăm dò thị trường, bằng cách đưa cho các đối tượng tiêu biểu – như tệp khách hàng mà họ có, sử dụng. Khi hết thời gian dùng thử, trung tâm sẽ đánh giá sản phẩm của Nhà sáng lập đó tốt hay dở, nôm na là ý tưởng khởi nghiệp đó có thực tế - có khả năng sống sót – khả năng scale-up…hay không.
Ở khu vực miền Tây, doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ và Tập đoàn Mỹ Lan đã xây dựng xong phòng R&D từ lâu và ông sẵn sàng hỗ trở sản xuất thử sản phẩm cho các startup. Tuy nhiên, muốn phát triển thành 1 trung tâm sản xuất thử hoàn chỉnh cho các SMEs, thì Mỹ Lan phải gầy dựng thêm đội ngũ kỹ thuật và các chyên gia nghiên cứu thị trường.
Còn tại TP.HCM, Vinamit cũng vừa hoàn tất việc xây dựng một trung tâm R&D với quy mô lớn tại Củ Chi. Ông Nguyễn Lâm Viên cũng muốn biến trung tâm R&D của mình thành nơi mà các SMEs tại miền Nam có thể phát triển thử sản phẩm trước khi làm thật, để tiết kiệm nguồn lực xã hội; trong khi chờ đợi TP.HCM mở trung tâm chế biến.
“ Chúng tôi vẫn đang tìm địa điểm để đặt trung tâm sản xuất thử sản phẩm này, đã có một vài doanh nghiệp đồng ý hỗ trợ mặt bằng, nhưng chúng tôi vẫn chưa chốt ”, Giám đốc BSA cho hay.