Sức mua có thể bị ảnh hưởng từ quý 3
Dù đồng ý việc tăng giá điện là cần thiết nhưng chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú không khỏi lo ngại về sức mua sẽ bị tác động trong thời gian tới. Theo ông, ngành điện ước tính với mức tăng giá điện 4,8% khiến chỉ số CPI tăng khoảng 0,09% là tương đối chính xác. Tuy nhiên, giá điện hay xăng dầu liên quan từ khâu đầu đến khâu cuối trong quy trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng nên không thể nói tăng 100 đồng/kWh điện thì hóa đơn của hộ gia đình tháng này chỉ tăng 60.000 đồng.

Giá điện vẫn được cho là chưa tính đủ sau các lần điều chỉnh tăng
ẢNH: H.H
Giá điện đang gánh quá nhiều mục tiêu
Việc tăng giá điện cho dù đúng hay hợp lý vẫn luôn tạo sự nghi ngại lẫn băn khoăn lo lắng với người tiêu dùng do vướng 3 vấn đề.
Thứ nhất, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Vừa phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện tăng trưởng, khuyến khích thu hút đầu tư, lại bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng điện tiết kiệm.
Thứ ba, cơ chế bù chéo giá điện kéo dài quá lâu khiến cơ chế giá thị trường đối với điện khó thực thi.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá VN)
"Khi giá điện tăng, chi phí sản xuất, kinh doanh, vận tải... cũng sẽ tăng mạnh. Từ đó, giá cả bán ra bắt buộc phải tăng. Người dân đang thắt lưng buộc bụng do khoản sinh hoạt phí tăng, nay hàng hóa tiếp tục tăng giá nữa thì họ sẽ giảm bớt, thậm chí là cắt luôn. Nói như vậy để thấy, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sức mua của toàn xã hội chứ không chỉ tăng qua con số trên hóa đơn tiền điện", chuyên gia này nói.
Đặc biệt, theo ông Phú, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp quay về thị trường nội địa, việc tăng giá điện lúc này có thể gây cản ngại vì sức mua yếu đi. Ngoài ra, quy định cho phép 3 tháng được điều chỉnh giá điện một lần nếu chi phí đầu vào tăng, sẽ khiến doanh nghiệp luôn ở thế bị động còn người tiêu dùng không dám mở rộng hầu bao bởi lo ngại biến động giá cả.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng việc tính toán tăng giá điện sẽ tác động làm tăng CPI khoảng 0,09% của ngành điện là "tương đối sát với thực tế", trong đó có tính toán những tác động tức thời lẫn tác động lan tỏa cũng loanh quanh trong mức đó. Tuy vậy, mọi tính toán chỉ ở mức tương đối, bởi còn nhiều vấn đề đáng lo ngại sau việc tăng giá điện, đó là kiềm chế lạm phát và nguy cơ giá cả có thể tăng theo giá điện. Đây cũng là vấn đề mà ông Vũ Vinh Phú lo lắng.
"Điện không hẳn là yếu tố chính để nhà kinh doanh lấy cớ tăng giá, nhưng muốn tăng giá bát bún từ 50.000 lên 55.000 đồng thì ai cũng đổ cho giá điện. Những lần tăng giá điện 3% kỳ trước, ngay tiệm cắt tóc đầu hẻm cũng báo tăng giá vì… giá điện tăng. Theo tôi, kích cầu nội địa là quan trọng trong lúc này, các yếu tố ảnh hưởng giá cả, ảnh hưởng đến sức mua là cần cẩn trọng", chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Theo số liệu thống kê, các đợt tăng giá điện gần đây có ảnh hưởng khá rõ đến CPI. Cụ thể, 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08%, đẩy CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Lạm phát năm 2024 đã được kiểm soát trong mức Quốc hội đề ra, tuy nhiên Cục Thống kê luôn lưu ý các yếu tố có thể làm CPI tăng mạnh, trong đó có chi phí điện. Đối với các ngành sản xuất, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, theo các doanh nghiệp là "chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng lực hàng hóa Việt ra thế giới".
Cân nhắc tính toán thời điểm điều chỉnh
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, chia sẻ: Chi phí điện chiếm khoảng 2 - 3% giá thành sản phẩm may; với ngành dệt, nhuộm chiếm khoảng từ 9 - 12%. Tiền điện tăng thì tiền vải tăng, cộng thêm chi phí điện tại nhà xưởng tăng, giá cả hàng hóa khó đứng yên. Đó là chưa kể trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây, tiền điện tăng hơn 12%, thêm lần tăng này thì mức tăng tổng cộng lên 17%. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, cạnh tranh dữ dội về giá với các nước khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng dệt may Việt đang chịu cạnh tranh lớn về giá lao động, áp lực thuế đối ứng, bị hoãn đơn hàng, thêm chi phí điện tăng khiến áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp thêm khốc liệt.

Lo lắng giá điện tăng ảnh hưởng đến giá cả, sức mua trong thời gian tới
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, "than trời" khi chi phí tiền điện với ngành sản xuất cơ khí chiếm khoảng 10%, việc tăng giá điện lúc này sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vốn gặp quá nhiều thách thức trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, giá điện tăng bất ngờ, lại theo quy định 3 tháng điều chỉnh một lần, khiến doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
"Giá điện tăng đã tăng rồi, chúng tôi chỉ mong muốn ngành và cơ quan quản lý tính toán thế nào đừng để sang quý 3 lại tăng tiếp là chết. Ai cũng hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh thì theo biến động giá cả đầu ra, đầu vào. Tuy nhiên, giá điện
ảnh hưởng quá lớn và tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa, yếu tố cạnh tranh, trong bối cảnh hiện nay lại hết sức nhạy cảm về thuế, đơn hàng, năng lực của doanh nghiệp… Thế nên, tôi mong ngành và cơ quan quản lý cân nhắc và điều chỉnh giá phù hợp với hoàn cảnh hơn", ông Tống kiến nghị.
Nhìn trên tổng thể, chuyên gia Võ Trí Thành thừa nhận việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tăng giá điện là điều tất yếu khi chi phí sản xuất điện tăng. Ngành điện muốn tiến đến thị trường minh bạch, không thể bao tiêu giá đầu ra mãi được, EVN cũng là doanh nghiệp nên cần bảo đảm doanh thu để tái đầu tư, hoạt động hiệu quả. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế rất lớn, nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, việc tăng đầu tư nguồn điện là quan trọng. Thế nên, việc tăng giá điện lần này là cần thiết, đồng thời như gửi tín hiệu đến các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện.
Dù vậy, ông Võ Trí Thành lưu ý cần tính toán lại lộ trình tăng giá điện, không nhất thiết cứ 3 tháng tăng một lần, tránh ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, doanh nghiệp. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng đề xuất việc điều chỉnh giá điện cần giãn lộ trình, hoặc có lộ trình hợp lý. Bởi năm nay, doanh nghiệp sản xuất nói chung đều gặp nhiều khó khăn hơn từ thị trường nước ngoài lẫn trong nước. Quan trọng hơn, ngành điện cần sớm công khai các khoản lời lỗ sau những lần tăng giá điện một cách chi tiết hơn, để thuyết phục người dùng điện hơn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay chỉ giải thích chi phí sản xuất điện tăng nên tăng giá điện là chưa thuyết phục. Bên cạnh đó, việc bù chéo giá điện tiêu dùng cho sản xuất và người dùng nhiều trả bù cho người dùng ít… vẫn chưa có gì thay đổi. "Ngành điện cần cải tổ các quy định về định giá điện thì việc điều chỉnh tăng mới thuyết phục hơn", ông Phú nhấn mạnh.