Tài chính

Nới room ngoại: Tác động đối với MB, VPBank và HDBank sẽ ra sao?

Chính sách mở nhưng không dễ hấp thụ ngay

Theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/5/2025, tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có thể vượt mức 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo các chuyên gia Chứng khoán ACBS, quy định này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần như MB, VPBank và HDBank, vốn đã tham gia nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong khi Vietcombank không thuộc diện áp dụng do Ngân hàng Nhà nước hiện đang nắm 74% vốn điều lệ.

 

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MB là 22,3%, VPBank là 24,3% và HDBank là 16,9%. Như vậy, hiện cả ba ngân hàng đều chưa chạm trần hạn mức room ngoại đối với cả mức room theo điều lệ (các ngân hàng chủ động khóa room dưới 30%) và mức room theo luật định (30%).

"Việc được nới lên 49% sẽ chưa phát huy tác dụng trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng khá mạnh cổ phiếu ngành ngân hàng", các chuyên viên Chứng khoán ACBS nhận định. 

Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt (dự kiến kéo dài 5-10 năm).

Sau thời gian này, nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua thêm cổ phần cho đến khi tổng mức sở hữu giảm về dưới 30%, trừ trường hợp mua lại cổ phần từ cổ đông hiện hữu hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, các chuyên gia ACBS đánh giá giới hạn 49% sẽ giúp các ngân hàng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ cổ đông chiến lược. 

Chủ tich MB: Không quá quan trọng "room" ngoại

Theo ACBS, nghị định mới tạo điều kiện để các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR).

Đơn cử như MB đang có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào ngân hàng MBV trong giai đoạn cơ cấu. Với mức CAR hiện khoảng 10% và chưa sử dụng vốn cấp 2, MB có thể sẽ cần tăng vốn cấp 1, dù yếu tố sở hữu nhà nước có thể là rào cản do lo ngại pha loãng.

Chia sẻ với báo chí về việc có đủ điều kiện nới "room" ngoại lên 49%, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết room ngoại không quá quan trọng với MB.

"Room ngoại thường hướng đến hai mục tiêu chính: thu hút nhà đầu tư chiến lược và tìm kiếm giá trị cổ phiếu cao hơn. Nhưng hiện tại với MB, quan trọng là giá trị nội tại và sức mạnh doanh nghiệp", ông nói thêm.

Chủ tịch MB cũng cho biết trong thời gian qua ngân hàng được khá nhiều quỹ đầu tư quan tâm. MB cũng đánh giá cao điều này và cũng được các quỹ đầu tư đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các thông tin và gợi ý. Những nhà đầu tư này có yêu cầu tương đối cao về minh bạch thông tin và MB cũng có trách nhiệm cao hơn trong hoạt động này.

"Đối với khía cạnh khác như tăng vốn, tiền mặt từ việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì MB không quá quan trọng", ông Thái nói.

Hiện MB có cổ đông lớn là các tập đoàn nhà nước, đặc biệt là Viettel, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hoạt động kinh doanh của MB. VPBank có SMBC là cổ đông chiền lược nước ngoài và nắm 50% vốn của FE Credit. Trong khi đó, HDBank chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đang tích cực tìm kiếm đối tác.

HDBank có thể tận dụng sớm nhờ nhu cầu tăng vốn và dư địa room

Đối với HDBank, dù CAR khá cao (khoảng 14%) nhưng lại phụ thuộc vào trái phiếu cấp 2, nên nhu cầu tăng vốn cấp 1 để giảm chi phí vốn trong dài hạn là hiện hữu. VPBank cũng có CAR ở mức tương đương (xấp xỉ 14%) nhưng sử dụng nhiều trái phiếu vốn cấp 2, nên nhu cầu tăng vốn chưa cấp thiết. 

Trong số ba ngân hàng, HDBank được các chuyên gia ACBS đánh giá là ngân hàng có khả năng nới room ngoại sớm nhất. Ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, trong khi nhu cầu tăng vốn cấp 1 đang gia tăng. Room ngoại theo điều lệ của HDBank chỉ còn 0,65%, trong khi room tối đa theo luật còn dư 13,15%.

Theo ACBS, trong trường hợp HDBank tìm kiếm cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu thông thường từ 15-20%, việc mở room lên 49% sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn này, đồng thời hỗ trợ giá cổ phiếu trong trung và dài hạn.

Không chỉ tác động đến từng ngân hàng riêng lẻ, Nghị định 69 còn được xem là bước thử nghiệm thận trọng cho việc nới room ngoại trong ngành ngân hàng. Việc giới hạn thí điểm ở một nhóm ngân hàng cụ thể giúp Chính phủ đánh giá thực tiễn tác động của dòng vốn ngoại đối với năng lực tài chính, quản trị và ổn định hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh khối ngoại đã bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2024 đến nay, chính sách này có thể là động lực giúp đảo chiều xu hướng, hỗ trợ thu hút vốn trở lại vào ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.

  (Nguồn: ACBS)

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

ShopeeFood ra mắt hàng loạt tính năng mới, định hình trải nghiệm đặt món trực tuyến đa giác quan

ShopeeFood vừa chính thức ra mắt 2 tính năng mới “Ăn Ngon Rẻ, ShopeeFood Bao” và “ShopeeFood Trùm Deal”, với mong muốn nâng cao trải nghiệm người dùng khi đặt món trên ứng dụng, mang đến sự mới mẻ và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, với chiến lược mang yếu tố giải trí vào hành trình đặt món trực tuyến, ShopeeFood tiếp tục mang đến những chương trình, hoạt động mang đậm tính đột phá và đặc sắc nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trẻ.

Giá vàng tuần này giảm mạnh?

Sáng nay (12/5), giá vàng trong nước neo ở mức 122 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn. Giá vàng thế giới đang giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tuần này nên giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh theo.

Khám phá các sản phẩm xe chuyên dụng của Soosan Vina Motor tại CO-REF Vietnam

Từ ngày 21 đến 23/05/2025, triển lãm Chuỗi cung ứng lạnh & Công nghiệp lạnh Việt Nam 2025 - CO-REF Vietnam (Cold Chain & Refrigeration Exhibition) sẽ chính thức diễn ra tại WTC Expo, Bình Dương. Triển lãm được xem là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành chuỗi cung ứng lạnh và công nghiệp lạnh gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy hợp tác.