Doanh nghiệp

SSI Research: Ngành dệt may phát tín hiệu hồi phục, nhưng biên lợi nhuận có thể tiếp tục thu hẹp

Trong báo cáo vừa cập nhật về ngành dệt may, SSI Research cho biết các công ty trong ngành đang kỳ vọng doanh thu trong quý III/2023 này sẽ tương đương mức của quý II trước đó, và sang quý IV sẽ cải thiện. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng các công ty ngành dệt may sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong quý cuối năm.

Nguồn: H.Mĩ tổng hợp từ Wichart.

 Nguồn: H.Mĩ tổng hợp từ Wichart.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá chứng khoán và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024, báo cáo SSI Research nêu.

Theo số liệu công bố, trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD (giảm 9% so với cùng kỳ), so với mức giảm 17% trong nửa đầu năm 2023.

Tháng 7/2023 ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Kim ngạch xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD (giảm 15%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất đóng góp 39% tổng kim ngạch xuất khẩu) đạt 8,7 tỷ USD (giảm 24%).

Xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10%) và 2,2 tỷ USD (tăng 4%). Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD trong năm 2023 và giảm 10% so với năm ngoái.

 

Vinatex vẫn cho rằng sự phục hồi sẽ chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi. Do đó, các nhà phân tích ước tính giá bán bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ đối với đơn hàng FOB.

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3 - 4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý cuối năm 2022, do đó, chuyên gia kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV tới.

Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.

CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) là công ty sợi tập trung vào các sản phẩm sợi polyester và hoạt động ở phân khúc cao hơn chuỗi giá trị ngành. SSI Research kỳ vọng kết quả doanh thu của STK sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, STK có thể tận dụng năng lực để sản xuất sợi tái chế có giá trị cao, vốn có nhu cầu cao từ các thương hiệu lớn.

Trong khi đó, CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) có đơn đặt hàng FOB cao nhất trong ngành may mặc, giúp công ty được hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành trong khi các khách hàng lớn lâu năm của công ty (như Walmart, Columbia và Target) đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong những quý gần đây.

Trong quý II/2023, MSH ghi nhận kết quả vượt trội so với các công ty cùng ngành, MSH là công ty duy nhất đạt được mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, mặc dù lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 2%.

So với Dệt may TNG (Mã: TNG) có quy mô tương đương và cũng thuộc miền Bắc, MSH liên tục ghi nhận biên EBITDA trung bình cao hơn là 13,3% (so với TNG 10,8%) trong giai đoạn 2017 - 2022 và 10,6% (so với 7,2%) trong nửa đầu năm 2023 để đạt được biên lợi nhuận gộp cao hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn.

Cũng trong báo cáo tháng 8 do Mirae Asset công bố, đơn vị này dẫn số liệu cho thấy hoạt động sản xuất dệt may trong nước đã được phục hồi, đặc biệt là mảng dệt.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của mảng dệt trong tháng 7 tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi IIP của ngành may mặc cũng tạm dừng đà giảm trong tháng 7.

Ngoài ra, chỉ số việc làm của lao động ngành dệt duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 3/2023 và tăng 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 7. Bên cạnh đó, giá đầu vào dường như đã chạm đáy khi giá bông đã phục hồi từ mức đáy 80 USD/pound vào tháng 7/2023, điều này có thể cho thấy nhu cầu bông đầu vào cho ngành dệt may nhiều khả năng sẽ tăng lên. Giá dầu thô và vận chuyển cũng đã tăng kể từ đầu quý III/2023, cho thấy sự cải thiện về nhu cầu chung trong nửa cuối năm.  

Mirae Asset dự báo doanh thu năm 2023 của STK ở mức 1.696 tỷ đồng (giảm 20% so với năm 2022). Tỷ suất lợi nhuận gộp dự phóng phục hồi về mức 13,1% (6 tháng 2023 là 11%, năm 2022 là 17,6%). Ngoài ra, chi phí tài chính sẽ tăng do công ty phải vay nợ nhiều hơn cho giai đoạn 1 của Unitex. Do đó, dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 101 tỷ đồng, giảm 58%.

Còn đối với MSH, công ty chứng khoán dự phóng doanh thu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm do có danh mục khách hàng chất lượng cũng như có kinh nghiệm trong việc thực hiện các đơn hàng FOB có tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Năm 2023, doanh thu của MSH có thể lần lượt đạt 4.707 tỷ đồng và lãi sau thuế 236,6 tỷ, giảm gần 15% và 37% so với 2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm