Như đã đưa tin, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng ít nhiều có liên quan đến Ngân hàng ACB và gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy.
Công ty Hồng Hoàng có vốn điều lệ 5 tỷ đồng tại thời điểm thành lập tháng 11/2016. Ngày 29/10/2019, công ty này đã gây chú ý trên thị trường khi đã huy động hơn 14 triệu trái phiếu ứng với tổng giá trị 1.402 tỷ đồng có kỳ hạn 5 năm, gấp hàng trăm lần vốn điều lệ ban đầu. Trái phiếu có hình thức không chuyển đổi, có đảm bảo bằng tài sản. Mục đích sử dụng vốn nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng.
Lãi suất phát hành thực tế của lô trái phiếu này lên tới 20%/năm và toàn bộ được phát hành cho nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài. Mức lãi suất 20%/năm có thể nói là cao kỷ lục trên thị trường huy động trái phiếu doanh nghiệp lúc bấy giờ. Đơn vị tổ chức tư vấn, đại lý đăng ký lưu ký cho lô trái phiếu của Hồng Hoàng là Công ty TNHH Chứng khoán ACB.
Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp, Hồng Hoàng đã thế chấp 60,77 triệu cổ phiếu ACB cho bên nhận đảm bảo là Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands.
Phiên 30/10/2019, tức sau một ngày Hồng Hoàng huy động thành công trái phiếu, thị trường đã xuất hiện giao dịch thoả thuận hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB ở mức giá 23.800 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 1.446 tỷ đồng, số tiền này gần đúng bằng số tiền Hồng Hoàng vay trái phiếu.
Như vậy nhiều khả năng là Hồng Hoàng huy động trái phiếu, sau đó dùng số tiền này để mua 60,77 triệu cổ phiếu của ACB.
Lô trái phiếu trên được phát hành cho một nhà đầu tư nước ngoài, nhiều khả năng trái chủ là Saigon Asia Credit Limited và gần 61 triệu cổ phiếu ACB có thể là tài sản thế chấp của Hồng Hoàng.
Theo thông tin trên Chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Cbonds), năm 2021, công ty lỗ sau thuế 177 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 319 tỷ. Sang năm 2022, công ty báo lãi sau thuế gần 287 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2023, mức lợi nhuận của công ty này tăng vọt lên 958 tỷ, gấp 3,3 lần cả năm 2022, đồng thời đưa vốn chủ sở hữu dương trở lại (863 tỷ đồng) tại ngày 30/6.
Tổng nguồn vốn của Công ty Hồng Hoàng tính tới cuối quý II là 2.244 tỷ đồng, tăng thêm 1.171 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó dư nợ trái phiếu là 1.122 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng nguồn vốn và giảm hơn 280 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2021.
Cũng theo Cbonds, trong năm 2022, Công ty Hồng Hoàng đã hai lần thanh toán lãi của lô trái phiếu hơn 1.400 tỷ đồng với tổng số tiền 431 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, công ty chưa phát sinh việc thanh toán lãi vay trong kỳ, đồng thời giá trị trái phiếu lưu hành tại thời điểm 30/7 ghi nhận 1.083 tỷ đồng.
Nguồn lợi nhuận của Công ty Hồng Hoàng đến từ đâu?
Giả sử từ năm 2019 đến nay, Công ty Hồng Hoàng vẫn chưa bán cổ phiếu ACB nào trong 60,77 triệu cổ phiếu, sau 4 đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu của Ngân hàng ACB, số cổ phiếu của nhà bằng này mà Hồng Hoàng nắm giữ sẽ lên tới gần 142 triệu cổ phiếu tại thời điểm tháng 6/2023.
Tạm tính với mức giá chốt phiên 30/6 là 22.050 đồng/cp, giá trị thị trường của số cổ phiếu Hồng Hoàng sở hữu lên tới 3.130 tỷ đồng, tức là lãi hơn 1.728 tỷ đồng so với thời điểm đầu tư ban đầu tháng 10/2019.
Nếu xét riêng từ đầu 2023 đến cuối tháng 6, cổ phiếu ACB từ 18.000 đồng/cp lên vùng 22.000 đồng/cp, tức tăng 22%.
Giả sử tính tại ngày 1/1, Hồng Hoàng vẫn đang giữ 123,44 triệu cổ phiếu với giá 18.000 đồng/cp, tương đương 2.221 tỷ đồng. Còn tại ngày 30/6, với 141,95 triệu cổ phiếu nắm giữ sau khi chia cổ tức của năm 2022, trị giá của khoản đầu tư này như đã nói ở trên là 3.130 tỷ đồng.
Như vậy, cộng thêm việc nhận 1.000 đồng/cp cho đợt chia cổ tức của năm 2022, thì tính sơ bộ công ty đã lãi 1.031 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhờ sở hữu cổ phiếu ACB.